Bảo hiểm tài sản là một lĩnh vực bảo hiểm có phạm vi rộng lớn và lịch sử lâu đời. Cùng tìm hiểu khái niệm bảo hiểm tài sản là gì, đối tượng nguyên tắc bồi thường của bảo hiểm tài sản.
1. Bảo hiểm tài sản là gì?
Bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm cam kết bồi thường cho bên được bảo hiểm khi tài sản bảo hiểm gặp rủi ro trong phạm vi bảo hiểm gây tổn thất cho các đối tượng tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.
Bảo hiển tài sản giúp khách hàng khắc phục những thiệt hại khi xảy ra rủi ro, làm giảm hoặc mất giá trị của tài sản, gây ra thiệt hại cho người được bảo hiểm.
Bảo hiểm tài sản có thể kèm theo sản phẩm bổ trợ là bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ tài sản trong trường hợp người thứ 3 sử dụng tài sản đó gặp thiệt hại.
2. Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản là gì?
Tùy vào loại hình và điều khoản của bảo hiểm mà sẽ có những rủi ro được bảo hiểm và những rủi ro không được bảo hiểm. Cần lưu ý rằng bảo hiểm tài sản không bảo hiểm cho trường hợp giá trị tài sản bị giảm hoặc mất do hao mòn tự nhiên, hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ khi được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng.
Ví dụ về những rủi ro làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản gồm:
- Thiên tai: lũ lụt, động đất, sét đánh
- Sự cố: hỏa hoạn, tràn nước, khói
- Lỗi con người: gây rối, đình công, rơi vỡ
- Tai nạn: va chạm với phương tiện vận chuyển, súc vật, máy bay rơi,…
Trong thực tế, đặc điểm của nhiều loại tài sản khiến việc liệt kê những tình huống có thể gây hư hỏng và cần được bảo hiểm trở nên không hợp lý, đôi khi bất khả thi.
Xuất phát từ nhu cầu đó mà bảo hiểm mọi rủi ro tài sản ra đời. Đây là loại bảo hiểm chỉ loại trừ những rủi ro được nêu cụ thể trong hợp đồng, những rủi ro không bị loại trừ đều sẽ được bảo hiểm.
Đây là loại bảo hiểm toàn diện, đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều khách hàng. Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản có chi phí tương đối cao, với xác suất xảy ra của mỗi loại rủi ro được xem xét kỹ.
3. Đối tượng của bảo hiểm tài sản
Tùy vào loại bảo hiểm cụ thể mà đối tượng của bảo hiểm tài sản có thể là:
- Những vật hữu hình: nhà cửa, kho, xưởng, máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, các loại hàng hóa, đồ vật, súc vật, mùa màng,…
- Tiền và các loại giấy tờ có giá trị quy đổi được thành tiền.
- Quyền tài sản: quyền sở hữu chí tuej, quyền sử dụng đất,…
4. Đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản
Hợp đồng bảo hiểm tài sản là một loại hợp đồng bồi thường. Theo đó, mệnh giá bảo hiểm không được vượt quá giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm ký kết hợp đồng.
3 trường hợp định giá hợp đồng bảo hiểm:
Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị
Là mệnh giá bảo hiểm cao hơn giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm giao kết. Loại bảo hiểm này không được luật pháp cho phép. Trường hợp đã lỡ ký vì một lý do nào đó, công ty bảo hiểm cần định lại mệnh giá đúng với giá trị tài sản, tính lại mức phí bảo hiểm và trả phần phí đã đóng thừa ra cho bên mua. Khi rủi ro xảy ra, chỉ bồi thường dựa trên giá trị đúng của tài sản lúc giao kết.
Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị
Là mệnh giá bảo hiểm thấp hơn giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm giao kết. Cách tính số tiền bồi thường khi xảy ra rủi ro sẽ dựa trên:
(Giá trị thiệt hại thực tế) X (Mệnh giá bảo hiểm)/(Giá trị thị trường của tài sản lúc giao kết)
Hợp đồng bảo hiểm trùng
Khi xảy ra rủi ro, cùng một tài sản được bồi thường bởi từ 2 hợp đồng bảo hiểm trở lên. Cách tính số tiền bồi thường mà mỗi hợp đồng chi trả sẽ là:
(Tổng số tiền bồi thường từ tất cả các hợp đồng) X (Mệnh giá của hợp đồng đang nói đến) / (Tổng mệnh giá tất cả các hợp đồng)
Điều này giúp đảm bảo số tiền bồi thường người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế mà người đó đã chịu.
5. Thời hạn và mức phí bảo hiểm
Bảo hiểm tài sản có thời hạn ngắn, thường là 01 năm. Các công ty bảo hiểm cũng thường tạo điều kiện thuận lợi, bỏ đi những bước không cần thiết khi khách hàng muốn tái tục vào năm tiếp theo.
Phí bảo hiểm tùy thuộc vào mệnh giá bảo hiểm, xác suất xảy ra rủi ro và các chế độ khác người mua được hưởng. Phí bảo hiểm có thể được đóng 1 lần hoặc định kỳ theo thỏa thuận của hợp đồng bảo hiểm.
6. Quy định về bồi thường bảo hiểm tài sản
Đối với việc bồi thường, Luật kinh doanh bảo hiểm đã nêu rõ các điều khoản quy định về căn cứ bồi thường cũng như hình thức bồi thường.
Căn cứ bồi thường
- Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm xảy ra rủi ro và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
- Số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
- Ngoài số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chri dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Phương thức bồi thưởng bảo hiểm tài sản
Phương thức bồi thường sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm tự thỏa thuận. Bao gồm:
- Sửa chữa tài sản bị thiệt hại
- Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác
- Trả tiền bồi thường
Nếu 2 bên không thống nhất được thì sẽ lựa chọn cách trả tiền bồi thường.
7. Quy định về giám định tổn thất
Điều 48, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 đã quy định rõ về việc giám định tổn thất khi xảy ra thiệt hại trong bảo hiểm tài sản như sau:
- Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm.
- Trong trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu không thỏa thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
8. Quy định về trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn
- Trong trường hợp người thứ 3 gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mình đã nhận cho doanh nghiệp bảo hiểm.
- Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm, trừ trường hợp nhwgnx người này cố ý gây ra tổn thất.
9. Hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản
Thông thường, người được bảo hiểm cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản đã ký kết
- Giấy chứng nhận hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện an toàn (về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh, lao động,…)
- Biên bản giám định thiệt hại của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc giám định viên độc lập
- Biên bản giám định nguyên nhân tổn thất (của đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ quan có thẩm quyền)
- Bản kê khai tổn thất và giấy tờ chứng minh tổn thất
10. Thời hạn yêu cầu bồi tường và thực hiện việc bồi thường bảo hiểm tài sản
Điều 28 và 29 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định rõ:
- Thời hạn yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản là 01 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng, theo đúng quy định của pháp luật.
- Công ty bảo hiểm phải bồi thường trong thời hạn đã thỏa thuận của hợp đồng. Nếu không có thỏa thuận thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ yêu cầu bồi thường.
- Thời hạn khởi kiện là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp (nếu có).
Mỗi loại tài sản sẽ có loại bảo hiểm riêng tương ứng, được cung cấp bởi nhiều doanh nghiệp với các lợi ích, chế độ bảo hiểm khác nhau. Khi tham gia bảo hiểm tài sản, cần nắm rõ các quy định páp luậ về các nội dung liên quan đến bảo hiểm tài sản để nhận được đầy đủ các quyền lợi của mình nhé!
Nguồn: Tổng hợp