Một số đơn vị cung cấp tour trực thăng ngắm cảnh Hạ Long tiết lộ, bảo hiểm cho tour bay trực thăng ở Hạ Long lên đến 30 triệu USD/vụ nếu như máy bay gặp sự cố.
Tai nạn rơi máy bay trực thăng ở Hạ Long, 3 nạn nhân là người cùng nhà
Lúc 17h15 ngày 5/4, máy bay Bell 505 mang số hiệu VN-8650 thuộc sở hữu Công ty Trực thăng miền Bắc, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng, bị mất tín hiệu tại vị trí giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.
Theo nhân chứng của vụ việc, máy bay bị rơi gần một hòn đảo. Trên mặt biển phát hiện nhiều mảnh vỡ của máy bay.
Qua tìm hiểu, đơn vị này đang vận hành hai máy bay trực thăng để đưa đón hành khách tham quan vịnh Hạ Long. Các máy bay này được đưa vào sử dụng từ năm 2019.
Ba trong số 4 nạn nhân là người cùng nhà, gồm có ông Hồ Tá L. (SN 1964), vợ Nguyễn Thị H. (SN 1963), em ông L. là bà Hồ Thị O. (SN 1972). Trong vụ việc này, nạn nhân còn lại là bạn của vợ chồng ông L.
Theo chia sẻ của cháu của ông L. là anh H., sáng qua (5/4), cả đoàn cậu L. đi tham quan Hải Phòng gồm 7 người. Buổi chiều, đoàn sẽ ngắm cảnh vịnh Hạ Long bằng trực thăng. Trong đoàn có đôi vợ chồng không tham gia do có con nhỏ bị ốm. Tuy nhiên đến cuối chiều, gia đình anh H. nhận được cuộc gọi từ chị H. – người đi cùng đoàn báo rằng trực thăng bay đã lâu nhưng không thấy về.
Bảo hiểm tai nạn trực thăng lên tới 30 triệu USD
Liên quan đến vụ rơi máy bay trực thăng trên biển Hạ Long hôm 5/4, cho đến nay, chưa xác định được đơn vị khai thác tour và công ty bảo hiểm nào chịu trách nhiệm.
Nói về bảo hiểm trực thăng, đây là loại hình bảo hiểm đặc biệt dành cho các hoạt động của máy bay cũng như rủi ro có thể xảy ra đến với khách hàng. Được biết, các đơn vị điều hành tour trực thăng hầu hết đều ký kết với các đơn vị bảo hiểm chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Zing thông tin, một đơn vị điều phối tour trực thăng ngắm cảnh Hạ Long tiết lộ, mức cam kết bồi thường thiệt hại cho sự cố lên tới 30 triệu USD/vụ. Theo đó, mức bồi thường này tối đa dành cho 4 hành khách, không gồm phi công.
Lực lượng chức năng tiến hành tìm kiếm, trục vớt tại hiện trường vụ máy bay trực thăng rơi.
Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính đưa dữ liệu cho thấy, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã giải quyết bồi thường bảo hiểm 3,5 triệu USD tổn thất toàn bộ thân máy bay cho máy bay trực thăng EC-130T2 số hiệu VN-8632 thuộc Trung tâm Huấn luyện bay (Công ty Trực thăng miền Nam, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam) vào năm 2021.
Chiếc máy bay tại thời điểm xảy ra sự cố có 3 phi công, trong đó 1 phi công giáo viên và 2 học viên. Sau đó 1 ngày, xác chiếc máy bay bị rơi cùng với 3 phi công hy sinh đã được tìm thấy. PVI từng tạm ứng số tiền hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng cho gia đình 3 phi công hy sinh.
Từ năm 2009, PVI đã là nhà bảo hiểm gốc cho toàn bộ đội bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, gồm các loại bảo hiểm như: Bảo hiểm thân máy bay, trách nhiệm dân sự đối với hành khách trên máy bay, trách nhiệm pháp lý đối với phi hành đoàn.
Ngoài ra, PVI còn là nhà bảo hiểm cho các hãng hàng không dân dụng tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific (nay là Pacific Airlines), Vietjet Air.