Bao thanh toán là một trong những nghiệp vụ tài chính, theo đó các doanh nghiệp tiến hành bán các khoản phải thu cho một bên thứ ba với chiết khấu cụ thể được quy định trong hợp đồng. Để hiểu rõ hơn về bao thanh toán là gì, lợi ích và những quy định về nghiệp vụ tài chính này, hãy cùng Vimoney tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bao thanh toán là gì?
Bao thanh toán trong tiếng Anh là Factoring, một hình thức cấp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động thúc đẩy hoạt động thương mại, bao gồm thương mại trong nước và quốc tế.
Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 qui định: “Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.”
Các hình thức bao thanh toán
Bao thanh toán theo món
Bao thanh toán theo món là việc các tổ chức tín dụng chia khoản phải thu thành từng danh mục cụ thể. Với từng khoản đó sẽ cần một hợp đồng tín dụng riêng.
Bao thanh toán hạn mức
Bao thanh toán hạn mức là việc các tổ chức tín dụng cung cấp cho bên bán hàng một số dư bao thanh toán nhất định trong khoản thời gian cụ thể. Theo đó, tổng số dư bao thanh toán với bên bán hàng sẽ không được vượt quá hạn mức quy định này. Sau mỗi lần ứng trước, đơn vị bán hàng sẽ phải ký một giấy nhận nợ với tổ chức tín dụng.
Đồng bao thanh toán
Đồng bao thanh toán là hình thức các tổ chức tín dụng cùng đứng ra bao thanh toán cho một hợp đồng cụ thể. Trong đó một tổ chức tín dụng sẽ là trung gian thực hiện việc tổ chức bao thanh toán.
Lợi ích của bao thanh toán
Đối với doanh nghiệp bán hàng
- Cải thiện dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản.
- Tăng doanh số bán hàng nhờ chính sách bán hàng trả chậm.
- Giảm chi phí hành chính, quản lý công nợ.
- Có nguồn tài chính mới mà không phụ thuộc vào các khoản vay Ngân hàng, không yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.
- Giảm thiểu nợ xấu, hạn chế rủi ro tín dụng.
Đối với doanh nghiệp mua hàng
- Có thể mua hàng thanh toán sau.
- Sử dụng tín dụng người bán để tài trợ vốn lưu động.
- Cơ hội đàm phán điều khoản mua hàng tốt hơn.
- Đơn giản hóa thủ tục thanh toán nhờ tập trung thanh toán về một đầu mối là ngân hàng
Quy trình bao thanh toán
Bước 1: Thẩm định hồ sơ và ký hợp đồng bao thanh toán
- Người bán ký hợp đồng thương mại với người mua
- Người bán làm thủ tục xin tài trợ bao thanh toán và gửi cho ngân hàng hoặc tổ chức tài chính mà mình mong muốn.
- Các tài liệu liên quan có thuyết minh liên quan như: Hợp đồng thương mại, Tên ,địa chỉ các bên liên quan
- Sau khi nhận được hồ sơ của khách hàng, Ngân hàng thương mại hoặc Công ty Tài chính tiến hành thẩm định nội dung quan trọng như báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính, điểm tín dụng của người mua; …
- Sau khi hoàn thiện các điều kiện cần đảm bảo thì hợp đồng bao thanh toán sẽ được ký kết.
Bước 2: Người bán thực hiện hợp đồng thương mại
Sau khi ký kết hợp đồng bao thanh toán, người bán tiến hành gửi hàng cho người mua theo đúng yêu cầu đã được thỏa thuận trước đó.
Bước 3: Người bán nộp chứng từ xin tài trợ bao thanh toán
Người bán tiến hành gửi các chứng từ, hóa đơn bán hàng cùng với văn bản chuyển nhượng nợ cho bên bao thanh toán.
Bước 4: Đơn vị bao thanh toán thẩm định và thực hiện tài trợ
Sau khi đã khẳng định bộ chứng từ hợp lệ, hợp pháp, đơn vị bao thanh toán thực hiện việc thanh toán ngay cho người bán, đồng thời gửi bộ chứng từ cho bên mua.
Bước 5: Hoàn tất quy trình bao thanh toán
Khi chứng từ đến hạn bao thanh toán:
- Đơn vị bao thanh toán gửi yêu cầu thanh toán cho người mua (thông qua ngân hàng của người mua).
Bên mua thanh toán toàn bộ số tiền theo bộ chứng từ cho đơn vị bao thanh toán. - Đơn vị bao thanh toán xác định số tiền phải thanh toán cho bên thanh toán để hoàn tất quy trình bao thanh toán.
Quy định về bao thanh toán
Quy định về bao thanh toán nêu rõ ở Thông tư 02/2017/TT-NHNN. Trong đó nêu rõ điều kiện bao thanh toán và những trường hợp không được bao thanh toán. Một số trường hợp không được bao thanh toán:
- Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bị pháp luật cấm.
- Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn thanh toán còn lại dài hơn 180 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị bao thanh toán.
- Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.
- Phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm theo qui định của Thủ tướng Chính phủ.
- Quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Pháp luật hiện hành quy định về bên bao thanh toán như sau:
Thứ nhất, loại hình tổ chức tín dụng được quyền thực hiện hoạt động bao thanh toán là: ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ti cho thuê tài chính và ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh tại Việt Nam mới được quyền thực hiện hành vi bao thanh toán.
Thứ hai, bên bao thanh toán phải được Ngân hàng nhà/ nước Việt Nam cho phép thực hiện hoạt động bao thanh toán. Về bản chất pháp lí, nghiệp vụ bao thanh toán là nghiệp vụ kinh doanh có điều kiện.
Thứ ba, bên bao thanh toán phải tuân thủ các nguyên tắc để bảo đảm an toàn hoạt động cấp tín dụng dưới hình thức bao thanh toán, về khía cạnh giới hạn hoạt động, tổ chức bao thanh toán phải duy trì tổng số dư bao thanh toán cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có và tổng số dư bao thanh toán không được vượt quá vốn tự có của tổ chức bao thanh toán.
Đối với bên được bao thanh toán:
Thứ nhất, về tư cách pháp lí của bên được bao thanh toán, chỉ có các tổ chức kinh tế Việt Nam và tổ chức kinh tế nước ngoài cung ứng hàng hoá, cung ứng dịch vụ và được thụ hưởng các khoản phải thu mới có thể trở thành bên được bao thanh toán.
Thứ hai, về quyền sở hữu và quyền chuyển nhượng các khoản phải thu của bên được bao thanh toán: bên được bao thanh toán phải là bên bán hàng trong hợp đồng mua, bán hàng hoá; hai là bên được bao thanh toán phải là chủ sở hữu hợp pháp của các khoản phải thu và được quyền chuyển nhượng các khoản phải thu này, không bị giới hạn bởi hợp đồng mua, bán hàng hoá cũng như bởi pháp luật; ba là bên được bao thanh toán chưa chuyển nhượng các khoản phải thu này cho bất kì ai trước đó.
Trên đây là những thông tin về bao thanh toán là gì, hình thức bao thanh toán và quy định pháp luật với bao thanh toán. Hiểu rõ được những kiến thức về nghiệp vụ tài chính này sẽ là nền tảng giúp bạn vận hành cũng như quản lý công việc kinh doanh của mình được tốt hơn.