Sau khi bán đứt HAGL Agrico cho THACO, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) dường như đã nhẹ gánh hơn khi món nợ khổng lồ đã giảm bớt và mảng miếng kinh doanh đã đơn giản, rõ ràng hơn. Hơn nữa, tình hình kinh doanh của Tập đoàn này đang dần khởi sắc, bắt đầu có lời. Dù thế, ông vẫn chưa thể cười tươi khi vẫn còn nợ và chỉ có thể “chạy ăn từng bữa”.
Niềm hy vọng “Heo – Chuối”
Mặc dù đã bán HAGL Agrico cho THACO, song Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn một số đất nhất định. Theo chia sẻ của HAGL, thì vào cuối 2021, diện tích cây ăn trái của họ vào khoảng 10.000ha, một nửa trong đó đang trồng chuối.
Trong Đại hội cổ đông năm 2022 vừa qua, Ban lãnh đạo tiết lộ là họ đang có kế hoạch trồng thêm 2.000ha chuối, để nâng vùng trồng lên 7.000ha.
Có 2 lý do khiến HAGL quyết định tập trung đẩy mạnh cây chuối: đầu tiên là vì nó nhanh thu hoạch và doanh nghiệp đã có sẵn thị trường; thứ hai là muốn phát triển đàn heo thịt lên 1 triệu con vào năm 2023, thì họ buộc phải trồng thêm diện tích chuối tương ứng.
Hiện tại, HAGL đã có 7 cụm chuồng trại với công suất tầm 400.000 heo thịt mỗi năm. Năm 2022, công ty đang có kế hoạch xây thêm 9 cụm chuồng trại, để nâng công suất lên 1 triệu heo thịt mỗi năm. Muốn xuất ra thị trường 1 triệu con heo thịt vào năm 2023, thì bây giờ HAGL đã phải xây dựng chuồng trại và gầy đàn.
Cách đây chưa lâu, HAGL từng thương mại hóa thịt heo của mình bằng cách để San Hà Food bán thử nghiệm, với thương hiệu BaPi – Banana Pig (heo ăn chuối). Tuy nhiên, thật ra là heo của HAGL không chỉ ăn chuối – chuối chỉ chiếm 30% lượng thức ăn hằng ngày của heo; ngoài chuối nó còn ăn các loại thực vật khác.
“Việc chọn 1 cây – 1 con là chuối – heo, không phải HAGL chọn bừa mà đây là thành quả của 10 năm tích lũy kinh nghiệm trong mảng nông nghiệp của chúng tôi.
Dòng heo ăn chuối của HAGL vừa có hương vị ngon hơn bình thường vừa sạch với ‘3 không’: không đạm động vật – không thuốc kháng sinh – không thuốc tăng trọng. Thị trường thịt heo Việt Nam trị giá khoảng 10 tỷ USD và tiêu thụ 35 triệu con/năm, nên 1 triệu con heo của HAGL chả bỏ bèn gì. Với lợi thế cạnh tranh nổi bật cùng mức giá bằng với trung bình thị trường, chả có lý do gì mà heo của HAGL lại không bán được.
Ngay cả HAGL Agrico – THACO có nuôi heo ăn chuối như HAGL, thì thêm vài triệu con nữa vẫn không sao“, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức khẳng định.
Do 30% đến 40% thức ăn của heo HAGL đến từ chuối – loại không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu và bị bỏ đi trước đây, thì ngay cả khi giá thức ăn chăn nuôi gia súc tăng cao, cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất của họ. Hay nói cách khác, HAGL chủ động được nguồn thức ăn và không ngoa khi nói, giá thức ăn chăn nuôi càng tăng thì HAGL càng lời. Thức ăn thường chiếm khoảng 75% giá sản xuất gia súc.
Hiện giá thành sản xuất 1kg thịt heo của HAGL khoảng 38.000 và giá sản xuất 1kg chuối trung bình tầm 6.000 đồng. Hiện HAGL bán khoảng 10.500 đồng/kg chuối và dự tính bán 53.000 đồng đến 55.000 đồng/kg thịt heo.
“Để phát triển ngành nuôi trồng nhiều hơn nữa, chúng tôi vừa bổ nhiệm ông Trần Văn Giai – chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dinh dưỡng cho heo, ngồi vào vị trí Thành viên HĐQT. Ngoài ra, chúng tôi chắc chắn sẽ không làm thức ăn gia súc như đang sử dụng để bán ra thị trường, vì như thế là đánh mất lợi thế cạnh tranh ‘độc nhất vô nhị’ của mình.
Trước đây, chúng tôi từng gửi tặng 1.000 cổ đông của mình thịt heo BaPi ăn thử, trong ĐHCĐ 2022, chúng tôi sẽ gửi thêm 400 phần cho 400 cổ đông nữa. Chúng tôi mong các cổ đông phản hồi về chất lượng của thịt heo BaPi, để HAGL có thể điều chỉnh công thức thức ăn khiến thịt ngon hơn.
Về rủi ro, làm gì thì cũng có thể gặp rủi ro. Hiện tại, trừ dịch tả châu Phi, tất cả các bệnh của heo đều đã có thuốc chích ngừa. Hơn nữa, chuồng trại của HAGL luôn được canh phòng nghiêm ngặt, các nhân sự của công ty có khi phải vào trong trại ở liền 4 tháng mới được về 1 lần. Như tôi là Chủ tịch, nhưng không phải muốn vào là sẽ được vào“, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm.
Trong tương lai, HAGL muốn cùng 1 đối tác chưa tiện nêu tên, sẽ cùng xây dựng 1 hệ sinh thái cho ngành thịt heo như Vissan. Cả 2 sẽ cùng xây một lò mổ có công suất khoảng 3.000 con/ngày và đối tác đó sẽ hỗ trợ HAGL bán thịt heo qua 5.000 cửa hàng trên toàn quốc. Ngoài ra, cả hai còn cùng xây nhà máy chế biến thịt heo khô, chả giò, thịt nguội…để xuất khẩu.
Theo đó, HAGL sẽ không ‘bán lúa non’ heo hơi mà sẽ chế biến ở nhiều cấp độ khác nhau, tăng giá trị gia tăng cho thịt heo. Ví dụ: nếu bán heo hơi, HAGL chỉ có thể bán khoảng 2,5 triệu/con, nhưng sau khi chế biến, giá trị của 1 con heo có thể tăng lên 5 triệu.
HAGL mà nói đến kế hoạch 5-7 năm thì không ai tin
Trên thực tế thì heo và chuối không phải là tất cả với HAGL. Như đã nói ở trên, hiện diện tích cây ăn trái của họ khoảng 10.000ha – 1 nửa là chuối và 1 nửa các các cây ăn trái khác.
“Ngoài chuối, chúng tôi còn trồng sầu riêng, xoài và hạt macca ở Gia Lai và Lào. Tuy nhiên, tất cả đều chưa vào thời điểm có thể thu hoạch mà vẫn đang trong diện đầu tư. Năm 2023, 1.000 ha sầu riêng của chúng tôi sẽ được thu hoạch.
Đây là cây có giá trị cao, do Trung Quốc không ăn hàng và không chịu cho nhập đường tiểu ngạch, nên giá sầu riêng hiện tại chỉ vào khoảng 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Nếu có thể đi bằng được chính thống vào Trung Quốc, giá sầu riêng có thể được bán 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, nếu lượng sầu riêng đang trồng ở Lào xuất từ cảng Lào đi Trung Quốc, thì còn thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn trồng rừng ở 3.000ha đất xấu không phù hợp để trồng trái cây và chủ yếu là cây gỗ. Vốn đầu tư cho cây gỗ không lớn – chúng tôi chỉ tốn tầm mười mấy tỷ, sau 5 đến 6 năm sẽ thu hoạch.
Sở dĩ, tôi không thường đề cập đến sầu riêng hay gỗ, vì HAGL chưa thể thu hoạch và tạo ra tiền. Tôi chỉ nói cái gì đó chắc chắn 99%, như chuối – thịt heo. Hiện tại, tôi chỉ nên nói kế hoạch từng năm, nói 5 đến 7 năm không ai tin. Người ta còn bảo tôi nói phét“, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức bày tỏ.
Ngoài chuối, HAGL có trồng thêm xoài, thanh long.
Nhìn vào thực trạng tài chính của Tập đoàn này, không có gì ngạc nhiên khi vị Chủ tịch này nghĩ thế.
Cho tới thời điểm này, tổng nợ cả ngắn hạn lẫn dài hạn phải trả của HAGL vẫn còn tới 13.767 tỷ đồng – dù đã giảm một nửa so với năm 2020. Trong đó, nợ ngắn hạn phải trả là hơn 4.000 tỷ đồng.
HAGL vừa có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.700 tỷ đồng, 700 tỷ đồng trong đó sẽ được họ dùng để trả nợ gốc cho đợt phát hành trái phiếu vào 30/12/2016 – với chủ nợ là ngân hàng BIDV. Như thế, BIDV sẽ nhả tài sản thế chấp bên Campuchia cho HAGL và HAGL sẽ trả lại tài sản này cho HAGL Agrico – THACO. Và HAGL Agrico – THACO sẽ trả lại 2.000 tỷ đồng còn nợ HAGL. Sau khi bán HAGL Agrico cho THACO, tài sản chồng chéo của HAGL và HAGL Agrico lên đến 7.000 tỷ đồng.
HAGL kỳ vọng sẽ huy động nhiều nguồn để thanh toán hết khoản nợ ngắn hạn phải trả 4.000 tỷ đồng trong năm 2022.
“Chúng tôi không dám chắc rằng, mình sẽ không bị hủy niêm yết vì nó liên quan đến nhiều bên như Uỷ ban Chứng khoán nhà nước. Tuy nhiên, việc bị cấm giao dịch 1 năm cũng khiến HAGL thêm khốn đốn, chúng tôi không thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn từ cổ đông hiện hữu mà phải phát hành riêng lẻ để bán cho các tổ chức tài chính.
Nhiều cổ đông muốn chúng tôi bán cổ phiếu phát hành thêm cho các doanh nghiệp tốt hoặc có liên quan đến ngành nghề hiện tại, song với tình cảnh của HAGL, chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn. Thậm chí, việc được chứng khoán VP Bank và quỹ Việt Cát chấp nhận mua, với tôi đã là nằm mơ.
Chúng tôi từng mất kiểm soát – mất thanh khoản khi đầu tư lớn vào cây cao su. Quả thật là HAGL đã thất bại và rớt xuống vực sâu. Trong khoảng 4 đến 5 năm gần đây, chúng tôi bị các tổ chức tài chính xa lánh, ngân hàng thì từ chối khéo. Chúng tôi đã mời chào người quen thân – không ít trong số họ đã đi khảo sát nhưng vẫn từ chối, vì đa số không tin vào tiềm năng của HAGL, do chúng tôi từng là người thất bại“, Chủ tịch HAGL bộc bạch.
Cây cao su – niềm đau chôn giấu của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.
Cũng theo ông Đoàn Nguyên Đức, không ai dám nói mình sẽ bất bại mãi mãi. Thương trường rất phức tạp và ai nói mình quản trị hay nên sẽ phải thành công là đang nói phét! Ai cũng có thể ngã ngựa! Hồi HAGL bán bất động sản để trồng cao su, lúc đó giá cao su vào khoảng 5.200 USD/tấn, quỹ đầu tư Temasek còn khẳng định giá cao su không thể xuống dưới 2.500 USD/tấn, nhưng nó vẫn cứ xuống 1.100 USD/tấn.
Tuy nhiên, bây giờ HAGL tự tin họ khó mà ngã ngựa, bởi họ đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm. Cổ phiếu của HAGL kiểu đã xuống tới tận đáy và không thể xuống hơn nữa, thì giá sẽ lên. Họ đang có tất cả, chỉ thiếu tiền để đầu tư!