BCG chào bán 60 triệu cổ phiếu giá 20.000/cp bằng hình thức phát hành riêng lẻ.
TPS, SHS, Vital Investment Group sẽ mua hơn 46 triệu cổ phiếu BCG phát hành riêng lẻ
Bamboo Capital (HoSE: BCG) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cp. Tỷ lệ chào bán 13,44%, doanh nghiệp dự kiến tăng vốn lên 5.067 tỷ đồng. Thời điểm phát hành trong quý I và II, sau khi được UBCK NN chấp thuận. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Số tiền huy động được dự kiến 1.200 tỷ đồng dùng để nâng cao năng lực về vốn, tương xứng với tổng giá trị tài sản hiện có và bổ sung vốn lưu động. Cụ thể, đơn vị sẽ dùng toàn bộ 1.200 tỷ đồng góp vốn vào BCG Land để thực hiện các giao dịch liên quan đến dự án bất động sản.
Cổ phiếu BCG hiện giao dịch ở mức 24.800 đồng/cp, gấp 2,8 lần trong vòng gần 7 tháng.
***Thuduc House chuyển nhượng dự án Đồi Vàng***
Danh sách 15 nhà đầu tư mua gồm 3 tổ chức và 12 cá nhân. Trong đó, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) mua 15 triệu đơn vị để tăng sở hữu lên 19 triệu đơn vị (3,75% vốn sau phát hành), Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội mua 10 triệu cổ phiếu, Công ty cổ phần Vital Investment Group (VIG) mua 21,3 triệu đơn vị. Cả 3 tổ chức đều không có mối quan hệ với Bamboo Capital cũng như lãnh đạo cao cấp.
Trước đó, Tracodi (HoSE: TCD) – đơn vị thành viên Bamboo Capital công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ, giá phát hành 20.000 đồng/cp. TPS và SHS cũng đăng ký mua mỗi bên 10 triệu đơn vị. Phần còn lại do Bamboo Capital mua 26 triệu và Công ty cổ phần quản lý quỹ Việt Cát – VFC mua 4 triệu đơn vị.
Vào đầu năm, Bamboo Capital vừa hoàn tất chào bán gần 149 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn lên 4.446 tỷ đồng. Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital, HĐQT dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ năm nay kế hoạch tăng vốn lên mốc 10.000 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2021, Bamboo Capital đạt hơn 2.589 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% và 973 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,7 lần. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 606 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm 2020.
Doanh nghiệp cho biết tăng trưởng năm qua là nhờ nhóm ngành cơ sở hạ tầng đóng góp chủ đạo với việc hoàn thành 96% chỉ tiêu doanh thu năm đề ra. Mảng bất động sản trong quý IV/2021 cũng đã ghi nhận phần doanh thu còn lại của dự án khu biệt thự King Crown Village.
Tuy nhiên, doanh thu của mảng bất động sản chỉ đạt được 12% chỉ tiêu cả năm. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho tiến độ xây dựng cũng như kế hoạch bàn giao bị chậm trễ, điển hình là dự án Malibu Hội An, dẫn tới không thể ghi nhận doanh thu trong năm 2021. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Bamboo Capital không đạt được mục tiêu doanh thu năm.
Lợi nhuận 2021 tăng mạnh chủ yếu đến từ các hoạt động tài chính, cụ thể là các thương vụ M&A các dự án trong mảng bất động sản và năng lượng tái tạo. Một số thương vụ M&A tiêu biểu trong năm 2021 bao gồm dự án nghỉ dưỡng Amor Garden Hội An, dự án dân cư Cầu Rồng, chuyển đổi cổ phần của các dự án năng lượng tái tạo và giao dịch phát triển các dự án diện mặt trời áp mái.
Cổ phiếu FRT và MKP tăng trần sau thông tin liên quan đến thuốc trị Covid-19
Theo thông tin từ FPT Retail (HoSE: FRT), sau khi Bộ Y tế cấp phép lưu hành thuốc trị Covid-19 sản xuất tại Việt Nam vào chiều ngày 17/2, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đã ký hợp đồng mua 1 triệu viên thuốc trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir hàm lượng 400 mg do Công ty Dược phẩm Boston Việt Nam, cùng Công ty Gonsa – nhà phân phối sản phẩm Stella tại Việt Nam sản xuất.
Giá bán dự kiến của một liệu trình 20 viên Molnupiravir 400mg cho 5 ngày uống thuốc sẽ chỉ trên dưới 300.000 đồng. Như vậy doanh thu dự kiến từ phân phối 1 triệu viên thuốc trên là khoảng 15 tỷ đồng.
Nhà thuốc Long Châu thuộc sở hữu của FPT Retail bên cạnh chuỗi bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số FPT Shop, F.Studio (chuyên kinh doanh sản phẩm chính hãng Apple). Năm 2021, doanh nghiệp bán lẻ đạt mức doanh thu 22.495 tỷ đồng, tăng 53%; lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức kỷ lục với hơn 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần so với mức nền thấp năm 2020.
Chuỗi Nhà thuốc Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm qua của doanh nghiệp bán lẻ khi mang về 3.977 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,3 lần; có lãi nhẹ sau nhiều năm thua lỗ.
Với năm 2022, FPT Retail đề ra kế hoạch doanh thu 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với năm thực hiện năm ngoái. Đây là con số doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sự hoạt động của công ty.
Trước thông tin phân phối thuốc điều trị Covid-19 chính hãng đầu tiên của Việt Nam, cổ phiếu FRT bật tăng trần lên 102.500 đồng/cp, phục hồi về vùng giá cuối năm 2021 và ghi nhận gấp 3,6 lần trong 1 năm qua.
Cổ phiếu MKP tăng trần sau thông tin sản phẩm điều trị Covid-19 được cấp phép
Một cổ phiếu dược phẩm khác cũng bật tăng trần phiên 18/2 lên 49.200 đồng/cp là MKP của Công ty cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP). Doanh nghiệp này là 1 trong 3 công ty Việt Nam sản xuất thuốc trị Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chiều 17/2 với thuốc Movinavir hàm lượng 200 mg.
Mekorphar tiền thân là xí nghiệp dược phẩm trung ương 24 – đơn vị thành viên của Tổng công ty dược Việt Nam. Doanh nghiệp được cổ phần hóa từ 2001, niêm yết trên HoSE vào 2010 với mã chứng khoán MKP nhưng đến 2012 hủy niêm yết.
Nguyên nhân là do đơn vị muốn mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ được phẩm nhưng bị vướng khoảng 4,7% vốn thuộc sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (tại thời điểm đó doanh nghiệp có vốn nước ngoài không được bán buôn, bán lẻ dược phẩm). Do vậy, ban lãnh đạo Mekophar quyết định rời sàn để thực hiện tái cơ cấu cổ đông không có vốn đầu tư nước ngoài. Đến năm 2017, công ty đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trở lại trên sàn UPCoM.
Mekophar hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm, dược liệu, hóa chất… Thị trường kinh doanh chính là khu vực TP HCM với tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ chiếm 63% trên tổng sản phẩm hàng năm, khu vực Hà Nội chiếm 25% và các tỉnh thành khác 12%.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dược phẩm không có nhiều đột phá. Giai đoạn 2018-2021, doanh thu quanh ngưỡng 1.100 tỷ đến 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm dần từ 108 tỷ đồng xuống 16 tỷ đồng. Lợi nhuận doanh nghiệp đặc biệt xuống thấp trong 2 năm Covid-19.
Mekophar cho biết những khó khăn phải đối mặt là sự cạnh tranh của ngành dược diễn biến ngày càng gay gắt; nguyên liệu sản xuất có 90% là nhập khẩu, việc Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy khiến giá nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất; giá thầu thuốc quá thấp nên công ty không thể trung thầu thuốc vào các bệnh viện; xuất khẩu thuốc bị cạnh tranh với thuốc rẻ sản xuất từ Ấn Độ và Trung Quốc.