Từ khoảng tháng 6/2021 tới nay, những ngôi vị đầu trong danh sách doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam không có có sự thay đổi với ba cái tên quen thuộc Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM). Tuy nhiên, gần đây thị giá cổ phiếu BID của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) liên tục bứt phá, thế chỗ bộ đôi VinGroup trong top 3 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.
Cụ thể, trong phiên 16/1, đà tăng kịch trần giúp BID tiếp tục vượt qua VHM qua đó trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ hai thị trường. Tại mức thị giá 44.700 đồng/cp, vốn hóa thị trường của BID đạt gần 226.116 tỷ đồng, tăng hơn 5.300 tỷ đồng trong vòng 1 năm trở lại đây. Thậm chí nếu so với vùng đáy ngắn hạn vào tháng 10/2022, đà tăng của cổ phiếu đã đẩy vốn hóa BIDV tăng gần 82.000 tỷ đồng.
Hiện tại, Vietcombank vẫn dẫn đầu về mặt vốn hóa trên sàn chứng khoán với 413.149 tỷ đồng, gần gấp đôi BID (226.116 tỷ đồng). Xếp phía dưới, vốn hóa của bộ đôi Vinhomes đạt 223.379 tỷ đồng và Vingroup đạt 209.004 tỷ đồng.
Ngoài ra, danh sách doanh nghiệp có giá trị niêm yết cao nhất thị trường còn một số cái tên ngân hàng như Vietinbank (CTG – 144,17 nghìn tỷ đồng), VPBank (VPB – 130,8 nghìn tỷ đồng)…
BIDV cán mốc tỷ USD lợi nhuận trong năm 2022
Thông tin tích cực nhất hỗ trợ đà tăng cho cổ phiếu BID có lẽ là con số lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 23.190 tỷ đồng trong năm 2022 – con số kỷ lục từng ghi nhận. Theo đó, tổng tài sản của nhà băng này lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tỷ đồng đồng nghĩa trở thành ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,9%. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây.
Trong một báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán VDSC đánh giá chất lượng tài sản của BIDV đã được cải thiện tốt kể từ khi tất toán trái phiếu VAMC. Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng cũng như tỷ lệ nợ xấu và dư nợ cơ cấu Covid-19 đã cho thấy xu hướng đi xuống từ mức nền cao trước đó mặc dù có bật tăng trở lại trong một số giai đoạn căng thẳng.
Về dài hạn, chi phí tín dụng biên dự kiến sẽ giảm dần xuống mức bền vững hơn nhờ vào bộ đệm vững chắc trước đó và sự chuyển đổi toàn diện theo hướng mở rộng tài sản lành mạnh. Kế hoạch tăng vốn tiềm năng của BIDV cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự mở rộng hiệu quả cùng với hành trình nâng cao chất lượng tài sản thông qua tăng cường tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng
Độ nhạy với chi phí tín dụng sẽ mang lại động cơ tăng trưởng của BIDV nhờ cắt giảm chi phí khi các điều kiện bên ngoài trở nên thuận lợi hơn. Mặt khác, mạng lưới rộng lớn của ngân hàng này và cơ sở tiền gửi giúp đảm bảo năng lực huy động vốn với khả năng định giá cạnh tranh trong môi trường chi phí cao hơn, do đó giảm thiểu áp lực về chi phí vốn và hỗ trợ NIM. Với định hướng bán lẻ và chuyển đổi số, BIDV cũng có thể kiểm soát hệ số rủi ro bình quân cũng như chi phí hoạt động và tiếp tục mở rộng cơ sở tiền gửi thông qua thâm nhập phân khúc khách hàng bán lẻ.
Nếu Dự thảo sửa đổi Thông tư 22 có hiệu lực, VDSC cho rằng áp lực huy động của BIDV sẽ phần nào được giảm bớt nhờ nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn để khuyến khích hoạt động ngân hàng và tài trợ nền kinh tế, khi kể đến lượng tiền gửi Kho bạc lớn nhất của BIDV trong số NH quốc doanh niêm yết.