Vào tháng 3/2022, BHO sẽ hợp tác cùng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia trồng 1000 cây xanh ở rừng Bến En, Thanh Hóa. Mục tiêu của BHO không chỉ hướng đến phát triển bền vững trong môi trường kỹ thuật số mà còn “phủ xanh” thế giới thực.
Các blockchain truyền thống thường sử dụng cơ chế Proof of Work (PoW – Bằng chứng công việc), tuy nhiên, cơ chế này tiêu tốn rất nhiều tài nguyên trong thế giới thực (máy đào, năng lượng điện và thời gian) – điển hình là Bitcoin. Cơ chế PoW cung cấp cho các thợ đào (miner) động lực để làm việc thông qua việc trả thưởng cho các block mới. Thợ đào sẽ sử dụng card đồ họa hoặc GPU và một nguồn năng lượng lớn để giải quyết các bài toán trong quá trình khai thác và nhận thưởng.
Do đó, cơ chế PoW vẫn là chủ đề gây tranh cãi không hồi kết giữa những nhà bảo vệ môi trường và giới tiền mã hóa.
Theo BBC, các nhà khoa học từ Đại học Cambridge gần đây đã công bố một công cụ phân tích để tính toán lượng điện năng được sử dụng trong quá trình khai thác Bitcoin. Kết quả của nghiên cứu cho thấy tổng mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của Bitcoin là khoảng 130 TWh.
Theo bảng xếp hạng mức tiêu thụ điện năng của Bitcoin ứng với từng quốc gia, lượng điện để đào loại tiền mã hóa này cao hơn mức tiêu thụ điện của Argentina (121 TWh), trong khi Hà Lan chỉ có 108,8 TWh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là 113,20 TWh. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại các ứng dụng của blockchain sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và trở thành rào cản để các dự án phát triển.
Mặc dù các blockchain truyền thống ngốn lượng lớn năng lượng nhưng không phải tất cả các blockchain đều như vậy, đặc biệt là các dự án blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake (POS – Bằng chứng cổ phần). Cơ chế này sử dụng thuật toán để quyết định xem ai xác thực block tiếp theo, thay vì giải các bài toán sử dụng sức mạnh tính toán để xác minh giao dịch, nhờ đó có thể tiết kiệm năng lượng tới hơn 99% so với blockchain Bitcoin.
Nhiều dự án blockchain hàng đầu thế giới đã áp dụng cơ chế này bao gồm Ethereum, Binance Smart Chain, Solana,… Trong số đó, không thể bỏ qua dự án BHO – một nền tảng blockchain do đội ngũ kỹ sư Việt Nam sáng tạo. BHO đặt mục tiêu trở thành nền tảng blockchain hàng đầu Đông Nam Á với sứ mệnh thu hẹp khoảng cách giữa thế giới công nghệ Metaverse và thế giới thực, phát triển hệ sinh thái trên nền tảng blockchain và cung cấp các giải pháp tài chính phi tập trung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngay từ giai đoạn đầu thiết kế và định hình dự án, BHO đã chọn áp dụng cơ chế đồng thuận Nominated Proof-of-Stake (nPoS) cho nền tảng của mình. Đây là phiên bản mở rộng hơn của cơ chế đồng thuận Proof of Stake (POS). Do đó, nền tảng BHO sở hữu ưu điểm là tốc độ xử lý giao dịch cao, phí gas rẻ, bảo mật tăng cường nhưng vẫn kế thừa hiệu quả ưu điểm tiết kiệm năng lượng từ thuật toán POS truyền thống.
Anh Phan Đức Nhật – CEO và Co-Founder của BHO cho biết: “Là một dự án Blockchain, chúng tôi đề cao giá trị phát triển bền vững. Ở khía cạnh công nghệ, dự án BHO đã chủ động lựa chọn và phát triển những công nghệ mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng. Ở khía cạnh đời sống thực, chúng tôi cũng mong muốn mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, tiêu biểu nhất là góp phần bảo vệ môi trường sống.”
Trong một diễn biến khác, câu hỏi ai mới là Founder và CEO thực sự của BHO vẫn đang trong cuộc tranh luận.
Ngoài việc lựa chọn công nghệ xanh, BHO còn hợp tác với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia để cùng trồng 1000 cây xanh tại rừng Bến En, Thanh Hóa vào tháng 3 năm 2022. Gaia là một tổ chức công nghệ phi lợi nhuận đang hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng và bảo tồn thiên nhiên.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Giám đốc điều hành Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Sự đóng góp của BHO là vô cùng ý nghĩa. Tại Vườn Quốc gia Bến En, có khoảng 3.000 ha rừng bị suy thoái và cần phục hồi. Việc chúng ta chung tay trồng rừng sẽ giúp cải thiện chức năng sinh thái của những khu rừng này, cũng như cung cấp môi trường sống cho các loài động vật hoang dã và góp phần chống biến đổi khí hậu.”
Cái bắt tay này chỉ là chương mở đầu trong hành trình kết nối Metaverse với thế giới thực. Đặt mục tiêu phát triển bền vững và mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, BHO đã nâng tầm dự án của mình với một sứ mệnh cao cả hơn khi gắn kết trách nhiệm của dự án với môi trường sống, làm “xanh hóa” cả thế giới thực và thế giới ảo.