Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép bộ này cấp giấy phép kinh doanh cho Hãng hàng không IPP Air Cargo.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, cấp phép kinh doanh cho IPP Air Cargo
Động thái này diễn ra sau khi Bộ này xem xét đến các yếu tố thị trường, điều kiện thành lập, cũng như quốc tịch của các cổ đông góp vốn… vào hãng hàng không IPP Air Cargo.
Theo Bộ Giao thông vận tải, Việt Nam hiện có 5 hãng hàng không nội địa nhưng chủ yếu khai thác vận tải hành khách trong nước và quốc tế. Chưa có bất cứ hãng hàng không nào chỉ chuyên vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng.
Tuy nhiên, có 47/60 hãng hàng không nước ngoài kết nối với Việt Nam khai thác hoạt động chuyên chở hàng hoá thường lệ.
Bộ GTVT cho rằng, thị phần vận tải hàng hoá của các hãng hàng không Việt Nam có thể thêm 10-15%/năm, hoạt động lưu thông hàng hoá được thúc đẩy nếu như nước ta có thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hoá. Theo dự kiến, hãng hàng không IPP Air Cargo ra đời sẽ góp phần tăng trưởng thêm 18-20%/năm.
Theo đánh giá của Cục Hàng không, theo quy định hiện hành, hồ sơ xin cấp phép bay của IPP Air Cargo đã đảm bảo đáp ứng các điều kiện. Do vậy, Cục này đã kiến nghị lên Bộ GTVT để báo cáo Thủ tướng xem xét và phê duyệt việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hoá bằng đường hàng không theo quy định cho Công ty IPP Air Cargo.
Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định, đến năm 2020 thì Việt Nam có 8-10 chiếc máy bay chuyên chở hàng và tăng lên 15-20 chiếc vào năm 2030.
Bộ GTVT cho rằng, việc thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể cũng như chiến lược chung trong việc phát triển dịch vụ vận tải của Việt Nam. Thêm nữa, các điều kiện cũng đầy đủ.
Vì thế, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép Bộ này cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.
Nếu Thủ tướng chấp thuận về chủ trương đầu tư vận tải hàng hoá thì Bộ GTVT sẽ thực hiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng bằng đường hàng không cho Công ty IPP Air Cargo. Đây sẽ là thủ tục cuối cùng để hãng hàng không này có thể đi vào hoạt động thương mại.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị rà soát quốc tịch cổ đông của IPP Air Cargo
Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đề nghị rà soát quốc tịch cổ đông của IPP Air Cargo.
Theo tìm hiểu, cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần IPP Air Cargo không có vốn đầu tư nước ngoài mà là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, gồm:
- Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, người đại diện là ông Nguyễn Hạnh.
- Công ty TNHH Thương mại Duy Anh, người đại diện là ông Nguyễn Phi Long.
Đây đều là doanh nghiệp có 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam.
- Bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Nguyễn William Hiếu – công dân Việt Nam.
Trong góp ý gửi Chính phủ về cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị rà soát, kiểm tra tình trạng quốc tịch của các cổ đông.
Cơ quan này cho rằng, nếu các cổ đông góp vốn tại IPP Cargo Airlines mang 2 quốc tịch sẽ áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư theo khoản 2, Điều 16 Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.