Sáng ngày 30 tháng 6, đại diện Bộ Tài chính đã cho biết, cơ quan này vừa trình Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT) để hạ nhiệt giá xăng trong nước. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra đề xuất giảm thêm thuế môi trường cho xăng dầu.
Mặc dù phương án cụ thể về giảm thuế chưa được công bố, nhưng động thái này cũng thể hiện sự quyết liệt trong hành động của Bộ Tài chính, nhằm kìm giá xăng trong nước.
Tính từ cuối năm 2021, giá xăng, dầu bán lẻ đã tăng “phi mã” 65-70%, khiến đời sống của doanh nghiệp và người dân lao đao.
Trong bối cảnh, giá xăng, dầu thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các chuyên gia cho rằng, giảm thuế phí là phương án khả thi duy nhất có thể hạ giá xăng.
Hiện tại, mỗi lít xăng, dầu bán lẻ đang phải chịu 4 loại thế như sau:
- Thuế nhập khẩu: 10%.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt: Xăng RON 95 là 10%, xăng E5 RON 92 là 8%, các loại dầu không thu thuế.
- Thuế bảo vệ môi trường: Xăng là 1.900-2.000 đồng/ lít, dầu là 1.000 đồng/ lít.
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%.
Mặt khác, giá bán lẻ xăng, dầu còn có thêm khoản lợi nhuận định mức là 300 đồng/ lít xăng, dầu; và chi phí định mức là 1.050-1.250 đồng/ lít xăng, 600-950 đồng/ lít – kg dầu.
Có thể thấy, mỗi lít xăng, dầu bán ra thị trường đang “gồng mình” chịu đến 34-35% các loại thuế, chi phí. Đồng nghĩa với việc, một phần ba số tiền mà người dùng bỏ ra cho một lít xăng là chi trả cho các loại thuế, chi phí.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường lần 2
Trước đó, vào giữa tháng 6, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất giảm khung thuế bảo vệ môi trường cho xăng, dầu về mức sàn.
Đây là lần thứ 2 xăng dầu được đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường. Trong lần này, các mặt hàng xăng, dầu trong nước đều được đề xuất giảm kịch khung về mức sàn, cụ thể, thêm 1.000 đồng đối với xăng, 500 đồng đối với dầu.
Lần giảm thuế bảo vệ môi trường đầu tiên bắt đầu vào ngày 1 tháng 4 năm 2022 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Mức giảm cho mỗi lít xăng, dầu bán lẻ là 2.200 đồng đối với xăng và 1.100 đồng đối với dầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mức giảm trong lần thứ 2 vẫn còn rất ít và không đủ tác động đến giá xăng so với đợt đầu tiên.
Vì vậy, theo các chuyên gia, phương án cần thiết thời điểm này là giảm thêm các loại thuế khác, như là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT).