Về việc chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương, bộ Tài chính đã đưa quan điểm. Tuy nhiên Bộ này cho rằng, sắp tới Chính phủ giao cho cơ quan nào thì vẫn phải điều hành tốt.
Diễn biến “giằng co” giữa 2 Bộ về quyền điều hành xăng dầu
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Trong dự thảo, cơ quan này đã đưa ra đề xuất ngược lại là trao quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.
Trong khi trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2022 cũng cho biết sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, bao gồm các việc như điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức… Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, việc này sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung thuận lợi hơn.
Quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tài chính
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại họp báo tổng kết quý IV/2022 diễn ra chiều 9/1 đã đưa ra quan điểm về việc Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu mới đây.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu.
Việc quản lý, điều hành xăng dầu thời gian qua do Bộ Công Thương chủ trì. Bộ Tài chính tham gia trong khâu điều hành giá một cách có hiệu quả.
Về vấn đề nên giao đầu mối cho cơ quan nào quản lý, điều hành giá xăng dầu, quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi là, quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định.
Ông Chi nói: “Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao”.
Ông Chi cũng nhấn mạnh rằng: “Nếu Chính phủ tiếp tục giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt nhất. Trong trường hợp khác, Bộ Tài chính cũng luôn chấp hành phân công của Chính phủ. Giao cho cơ quan nào thì giá xăng, dầu vẫn phải điều hành tốt”.