TPO – Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, năm 2021 các doanh nghiệp bắt đầu vực dậy và phát triển trở lại, một số công ty mẹ có tổng doanh thu tăng trên 30% so với năm trước.
Tổng tài sản hơn 3,7 triệu tỷ đồng
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong phạm vi toàn quốc năm 2021.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 DN có vốn góp của Nhà nước, trong đó 673 DN nhà nước và 153 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng tài sản là hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con có tổng tài sản là gần 3,4 triệu tỷ đồng, chiếm 90% tổng tài sản của các DN.
Đáng lưu ý, tổng doanh thu đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) là hơn 320.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa. Cùng với đó, tổng nợ phải trả là hơn 1,9 triệu tỷ đồng tỷ đồng, tương đương so với năm 2020. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 53% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp Trung ương.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, Theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu từ báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020.
Các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con có số tổng doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn. Đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với hơn 440.000 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là hơn 380.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội gần 150.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là hơn 114.000 tỷ đồng…
Theo Bộ Tài chính, năm 2021, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, các DN bắt đầu vực dậy và phát triển trở lại, một số Công ty mẹ có tổng doanh thu tăng trên 30% so với năm 2020. Điển hình như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tăng 156%; Tổng Công ty Hợp tác kinh tế tăng 87%; Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất tăng 77%; Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc tăng 66%…
Tổng các khoản phải nộp ngân sách hơn 220.000 tỷ đồng
Liên quan đến tình hình lỗ lãi, Bộ trưởng Tài chính cho biết, lãi phát sinh trước thuế theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con đạt gần 157.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020. Các đơn vị có lãi phát sinh trước thuế cao trên 5.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu ở những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam lãi gần 52.000 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội lãi gần 37.000 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam lãi gần 18.000 tỷ đồng…
Ngược lại, một số DN lãi phát sinh trước thuế năm 2021 giảm sâu như: Công ty mẹ – Tổng Công ty Giấy Việt Nam có lãi phát sinh trước thuế là 1 tỷ đồng tương ứng giảm 90%; Công ty mẹ – Tổng Công ty vận tải Hà Nội có lãi phát sinh trước thuế là 1,5 tỷ đồng tương ứng giảm 90% (doanh thu giảm dẫn đến lãi phát sinh trước thuế giảm); Công ty mẹ – Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) có lãi phát sinh trước thuế là 163 tỷ đồng tương ứng giảm 52%, doanh thu giảm 42% so với năm 2020…
Các đơn vị có lãi phát sinh trước thuế cao trên 5.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu ở những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn.
Về lỗ phát sinh, theo báo cáo hợp nhất của 5 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con là hơn 1.800 tỷ đồng; có 16 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con còn lỗ lũy kế là hơn 14.700 tỷ đồng và 9 Công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 5.500 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lỗ gần 2.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội lỗ 69 tỷ đồng…
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng các khoản phát sinh phải nộp NSNN đạt 220.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Những đơn vị có số thuế và các khoản phát sinh phải nộp NSNN lớn như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là gần 73.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Công nghiệp Viễn thông quân đội là gần 32.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Việt Nam là gần 28.000 tỷ đồng…
“Tính riêng báo cáo của công ty mẹ, tổng các khoản phát sinh phải nộp NSNN đạt gần 111.000 tỷ đồng, tăng 2% so với số năm 2020”, Bộ Tài chính cho hay.
Bộ Tài chính cho rằng, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành, Chủ tịch HĐTV, người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với việc phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả.