Với những cống hiến của mình, mới đây, ông Dave Calhoun – CEO hãng máy bay Boeing đã nhận được khoản tiền thưởng trị giá 5,3 triệu USD.
Khoản thưởng giữ chân giám đốc điều hành của Boeing
Theo đó, ngày 17/2 vừa qua, Hội đồng quản trị Boeing đã phê duyệt mức thưởng 25.000 đơn vị cổ phiếu hạn chế cho ông Calhoun để thể hiện “sự công nhận và tin tưởng vào khả năng lãnh đạo” của ông.
Tuy nhiên, khoản thưởng này sẽ chia thành 2 phần bằng nhau để trao cho ông trong 2 năm tới. Nói cách khác, dù nhận được khoản thưởng này nhưng ông Dave Calhoun không được sử dụng luôn.
Bloomberg cho rằng, động thái này của Boeing thể hiện phần nào sự tín nhiệm của ban lãnh đạo tập đoàn này đối với ông Calhoun. Nó cũng là dấu hiệu cho thấy, trong vài năm tới, phía tập đoàn sẽ không tìm kiếm CEO.
Trong trường hợp ông Calhoun tự nguyện rời Boeing bởi bất cứ lý do gì trước khi nhận thưởng, ông sẽ bị mất toàn bộ số cổ phần đó.
Được biết, sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng của dòng 737 Max, ông Calhoun đã gia nhập hãng sản xuất máy bay vào đầu năm 2020 và giúp Boeing hồi phục thành công.
Kể từ đó, dù tình hình kinh doanh của tập đoàn này vẫn không khả quan hơn kể từ năm 2019, thế nhưng khoản lỗ vài chục tỷ USD của hãng máy bay này cũng đã được giảm dần trong những năm gần đây.
Với việc công bố lộ trình tạo ra dòng tiền tự do 10 tỷ USD vào năm 2025, mới đây, vị CEO này còn giúp cổ phiếu của Boeing tăng vọt. Sau đó, Hội đồng quản trị Boeing cũng đã dập tan tin đồn tìm kiếm CEO mới vào năm ông Calhoun bước sang tuổi 64 bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu của chức vụ giám đốc điều hành lên 70 tuổi.
Chỉ có điều, cổ phiếu Boeing lại giảm nhẹ khoảng 0,26% – tương đương 0,55 USD vào phiên giao dịch cùng ngày, sau thông tin ông Calhoun nhận thưởng.
Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam
Bên lề sự kiện Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 8/2022, ông Michael Nguyễn, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam cho biết, dự tính của các chuyên gia là trong 30 năm tới, Đông Nam Á sẽ cần tới 4.000 máy bay và Việt Nam dẫn đầu về nhu cầu này. Do vậy, tập đoàn muốn trở thành nhà cung cấp chiến lược cho Việt Nam.
Ngược lại, Boeing cũng muốn tìm các nhà sản xuất, cung ứng cũng như hợp tác với các trường đại học Việt Nam. Ông Michael Nguyễn cho hay, tập đoàn hiện có 7 nhà cung cấp đặt cơ sở tại Việt Nam nhưng chỉ có một công ty của Việt Nam. Boeing cho hay về lâu dàu muốn được làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp Việt Nam. Hiện tại, đa phần họ làm việc thông qua các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đối với các trường đại học, mong muốn của Boeing là hợp tác để đào tạo nhân lực cho các trường về khoa học.
Ông Michael Nguyễn cho rằng, máy bay hiện nay của Boeing đều có các linh kiện từ Việt Nam như bộ phận phần cánh hay cửa ra vào. Nhân viên, chuyên gia người Việt được tập đoàn này đánh giá là sẽ phát triển tốt khi được quan tâm đúng mức với tố chất cần cù sẵn có. Hãng vì thế muốn theo hướng của Samsung, Intel, vào Việt Nam để mở rộng hoạt động.