Những số liệu khảo sát mới đây cho thấy bức tranh hoạt động của doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn.
Đa số doanh nghiệp đang cầm cự
Theo một khảo sát mới đây do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện về tình hình “sức khỏe” tài chính của trên 21.500 doanh nghiệp cho thấy, có tới 69% phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch COVID-19.
Một số cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16%. Mong mỏi được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người lao động, tạo điều kiện di chuyển, lưu thông hàng hóa… đã được nhiều doanh nghiệp nêu ra.
Trong tổng số hơn 21.500 DN tham gia khảo sát đến từ tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, có 50% từ Thành phố Hồ Chí Minh, 26% từ Hà Nội, Bình Dương chiếm gần 4%, Đồng Nai hơn 2% và Đà Nẵng gần 2%.
Phần lớn trong số này là siêu nhỏ, hộ kinh doanh dưới 10 lao động, chiếm tới 41%; đơn vị nhỏ có số lao động từ 11 đến 50 chiếm gần 38%. Số có lao động từ 51 đến 200 người chiếm khoảng 15%. Doanh nghiệp có từ 201 đến 1.000 lao động chiếm 5% và DN có số lao động trên 1.000 người chiếm 1%.
DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 3 tỷ đồng chiếm gần 39%, doanh thu từ 3 đến 50 tỷ đồng chiếm gần 42%, từ 50 đến 200 tỷ đồng chiếm gần 12%, từ 200 đến 1.000 tỷ đồng chiếm khoảng 5%, và DN có quy mô doanh thu trên 1.000 tỷ đồng chiếm hơn 2%.
Có tới 95% đối tượng tham gia khảo sát là các hộ kinh doanh, DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần của Việt Nam – loại hình đại diện chính cho khu vực kinh tế tư nhân của nước ta.
Số doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI hoặc liên doanh vốn với FDI) chiếm lần lượt là gần 1% và 3,3%.
Thông tin về tình trạng hoạt động của DN tham gia khảo sát kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, Ban IV cho biết, số tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch chiếm tỷ lệ cao nhất: 69% (tương đương với 14.890 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16% (tương đương với 3.355 doanh nghiệp). Số DN giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể là 15% (tương đương với 3.272 doanh nghiệp).
Các “đầu tàu” gặp khó
Các tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều DN, phát triển công nghiệp mạnh của cả nước cũng đang trong tình trạng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Kết quả khảo sát cho thấy tình trạng hoạt động của các DN ở 5 tỉnh, thành phố có sự khác biệt đáng kể. Tỷ lệ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh (dù dưới công suất) là 11,6% ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đến là Đà Nẵng 9%.
Tỷ lệ tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai cao hơn mức trung bình chung và đều trên 71%. Đây cũng là những tỉnh, thành phố có số ca mắc COVID-19 rất cao hiện nay và thực hiện việc giãn cách, cách ly kéo dài.
Xét theo quy mô lao động, số giải thể, ngừng hoạt động chờ giải thể tập trung cao ở DN có quy mô siêu nhỏ (chiếm 18,6% trong số các đơn vị siêu nhỏ tham gia khảo sát, ở các quy mô còn lại, tỷ lệ này dao động quanh mức 12%).
Số duy trì được một phần hoạt động kinh doanh so với DN cùng quy mô tập trung nhiều ở các doanh nghiệp có quy mô lớn.
So với đơn vị cùng quy mô lao động, số duy trì được một phần hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch của DN siêu nhỏ chỉ chiếm khoảng 8,9% trong khi đó tỷ lệ này ở DN siêu lớn (trên 1.000 lao động) chiếm hơn 42% và ở DN lớn (từ 201-1.000 lao động) chiếm 34,5%.
Khảo sát cũng cho thấy, các đơn vị hoạt động trong khu vực dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 với 17% phải giải thể, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng lần lượt là 10% và 13%. Dù phải cắt giảm lao động, song, vẫn có 24% thuộc khu vực công nghiệp có khả năng duy trì hoạt động sản xuất.
Hàng loạt nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh đã được Chính phủ ban hành kể từ năm 2020 đến nay, như Nghị quyết 84, Nghị quyết 86, Nghị quyết 68 và mới đây nhất là Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Có thể nói hệ thống chính sách đã đủ, vấn đề còn lại là thực hiện sao cho nhanh, đúng và trúng.