Ngoại trừ nhóm chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm, trong 676 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính, tổng doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết 2021 đạt gần 2.332 triệu tỷ đồng và 216 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 39% so với năm 2020, trong đó có 223 doanh nghiệp báo lãi giảm, 23 doanh nghiệp có lãi chuyển lỗ, 13 doanh nghiệp tăng lỗ, 370 doanh nghiệp tăng lãi, 8 doanh nghiệp giảm lỗ và 39 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi.
Đọc thêm: Bất chấp đại dịch, ngành ngân hàng đã xác lập nhiều kỷ lục chưa từng có trong năm 2021
Hân hoan báo lãi
32 doanh nghiệp lãi hơn nghìn tỷ
Vinhomes (HOSE: VHM) báo lãi ròng hơn 39 nghìn tỷ đồng, cao nhất kể từ lúc niêm yết đến nay, đứng đầu trong danh sách các công ty có lợi nhuận cao.
Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng thu được 34,478 tỷ đồng lãi ròng, gấp 2,6 lần năm 2020, đạt mức cao chưa từng thấy, vượt 92% kế hoạch 2021.
Đứng thứ 3 là “ông trùm” Sữa Việt Nam (HOSE: VNM), tuy nhiên lợi nhuận 2021 giảm nhẹ về mức 10.5 ngàn tỷ đồng, biên lãi gộp của VNM cũng giảm từ 46,4% xuống còn hơn 43% do tăng giá vốn thành phẩm, hàng hóa và giá vốn hàng khuyến mại.
Ngoài ra, Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (HOSE: GAS), Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG), CTCP FPT (HOSE: FPT)… và nhiều doanh nghiệp cũng lãi nghìn tỷ trong năm 2021.
Top 20 doanh nghiệp có lãi tăng đột biến
In Sách Giáo khoa Hòa Phát (HNX: HTP) cũng ghi nhận lãi ròng tăng vọt lên gần 56 tỷ đồng trong khi năm 2020 con số này chỉ ở mức 227 triệu đồng nhờ ghi nhận khoản lãi từ giao dịch mua giá rẻ. Hay như lãi ròng của Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) cũng tăng mạnh, đạt 95.2 tỷ đồng.
Top 20 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi
Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã có lãi trở lại trong năm 2021 với con số đạt hơn 184 tỷ đồng, vượt kế hoạch 15% trong khi năm trước lỗ khủng hơn 1,256 tỷ đồng. Trong năm 2021, với mảng cây ăn trái, tổng diện tích trồng của Công ty tăng lên khoảng 10,000 ha với 5,000 ha trồng chuối (bao gồm 2,500 ha tại Việt Nam, 1,500 ha tại Lào và 1,000 ha tại Campuchia), còn lại là các loại cây khác như mít, bơ, sầu riêng, xoài… Với mảng chăn nuôi heo, Công ty đã xây dựng 7 cụm chuồng chăn nuôi heo với công suất 400,000 con heo thịt/năm (một cụm 2,400 con heo nái với năng suất đẻ khoảng 25 heo con/heo nái mỗi năm).
Gam màu buồn
Top 20 doanh nghiệp lãi ròng giảm mạnh
Mặc dù vẫn có lợi nhuận, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh.
Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating, HNX: PVB) đem về lãi ròng 21 tỷ đồng trong quý cuối năm 2021 (cùng kỳ lỗ 20 tỷ đồng) nhờ có khoản lãi khác gần 30 tỷ đồng. Kết quả này vừa đủ “san lấp” các khoản lỗ 9 tháng đầu năm, giúp PVB thoát cảnh thua lỗ khi có lãi ròng 335 triệu đồng năm 2021. So với năm trước, số lãi này giảm mạnh đến 99%.
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) cũng đã xoay chuyển tình thế vào quý cuối năm (9 tháng đầu năm lỗ ròng hơn 30 tỷ đồng) và giúp lãi ròng cả năm 2021 đạt 19 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả này chỉ bằng 1/10 của năm 2020.
Một loạt đơn vị cũng ghi nhận lãi ròng giảm mạnh so với năm trước như Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (HOSE: CTI), Xây dựng Hạ tầng CII (HOSE: CEE), Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP)…
Top 20 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ
Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) chịu lỗ kỷ lục hơn 341 tỷ đồng trong năm 2021 (năm 2020 lãi 254 tỷ đồng) do khoản lỗ đột biến trong Quý IV. Bên cạnh đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty ghi nhận âm gần 890 tỷ đồng. CII cho biết do ảnh hưởng COVID-19, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến lưu lượng xe lưu thông giảm, qua đó làm giảm doanh thu thu phí các dự án cầu đường. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng phải tạm ngừng hoạt động một thời gian, dẫn đến trễ tiến độ, khiến doanh thu từ kinh doanh bất động sản, xây dựng, duy tu công trình cũng bị suy giảm.
Cùng cảnh ngộ, dù doanh thu tăng trưởng đến 43%, đạt hơn 5,821 tỷ đồng, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn nên Thép Việt Ý (HOSE: VIS) lỗ lũy kế sau thuế cả năm hơn 132 tỷ đồng (năm 2020 lãi 30 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp tăng lỗ trong năm 2021
Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) cũng ghi nhận khoản lỗ kỷ lục hơn 576 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp báo lỗ. Qua đó, tổng lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/12/2021 tăng lên gần 591 tỷ đồng.
Tương tự, Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HOSE: VNS) cũng báo lỗ năm thứ 2 liên tiếp gần 274 tỷ đồng. Như vậy, nếu năm 2022 không cải thiện được tình trạng thua lỗ thì “ông lớn” ngành taxi này sẽ phải nói lời chào tạm biệt với sàn HOSE (3 năm thua lỗ liên tiếp).
Đáng chú ý, số lượng nhân viên của Vinasun tại thời điểm ngày 31/12/2021 ghi nhận chỉ còn 1,877 nhân viên. Như vậy, chỉ trong năm 2021, VNS tiếp tục cắt giảm 2,521 nhân viên. Trong năm 2020, VNS cũng đã cắt giảm 1,392 nhân viên.