Trong báo cáo mới cập nhật, Dragon Capital cho rằng việc thị trường tiếp tục đi xuống trong tháng 5, giảm 6,1% về vùng 1.293 điểm do chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề toàn cầu như Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, phong tỏa tại một số khu vực ở Trung Quốc và xung đột giữa Nga và Ukraine. Điểm tích cực trong tháng 5 vừa qua là khối ngoại tiếp tục mua ròng 138 triệu USD, đưa giá trị bán ròng kể từ đầu năm giảm đáng kể, xuống còn 8 triệu USD, từ mức 422 triệu USD của giai đoạn giữa tháng 3/2022.
Nhiều nhóm ngành vẫn đi ngược thị trường để tiếp tục tăng trưởng
Xét về diễn biến các nhóm ngành trong tháng qua, Dragon Capital đánh giá cổ phiếu của một số ngành ít được quan tâm đã ghi nhận những diễn biến không mấy tích cực như Thép (giảm 14%), Chứng khoán (giảm trung bình 10%), Bất động sản (trung bình giảm 8%)….
Tuy nhiên, báo cáo vẫn cho thấy những khía cạnh tương đối khởi sắc khi một số ngành đứng ngoài xu hướng giảm của thị trường. Cụ thể, cổ phiếu năng lượng tăng 9% nhờ xu hướng đi lên của giá dầu. Nhóm Tiện ích và Thực phẩm & Đồ uống ít bị ảnh hưởng vì hoạt động kinh doanh của nhóm này mang tính phòng thủ.
Cổ phiếu nhóm xuất khẩu vẫn vững vàng nhờ giá sản phẩm tăng mạnh và nhu cầu ổn định. Cổ phiếu bán lẻ được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm vượt kỳ vọng, doanh thu tăng trưởng tốt và triển vọng nửa cuối năm tích cực so với mức nền thấp của nửa cuối năm 2021.
Theo đánh giá của Dragon Capital, những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường chứng khoán nhiều hơn so với dự kiến và cũng là nguyên nhân chính khiến thị trường Việt Nam giảm mạnh hơn các thị trường trong khu vực. Lượng trái phiếu phát hành mới đã giảm và triển vọng tái vay vốn trở nên kém khả quan hơn. Ngoài ra, những lo ngại liên quan đến việc các ngân hàng sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng nếu phải mua lại các trái phiếu đã phân phối và Chính phủ đã thực hiện các biện pháp chấn chỉnh thị trường để ngăn chặn bong bóng bất động sản cũng khiến tâm lý trên thị trường chưa thực sự ổn định
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô 51 tỷ USD nhưng chưa được giám sát chặt chẽ, với khoảng 45% giá trị trái phiếu được nắm giữ bởi nhà đầu tư cá nhân, có thể tạo ra rủi ro đáng kể nếu buông lỏng quản lý. Chính phủ có dư địa và công cụ để xử lý các bất ổn hiện nay”, Dragon Capital đánh giá.
Quỹ ngoại này nhấn mạnh, nếu các giải pháp trên được triển khai, thị trường cổ phiếu tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, bất chấp các vấn đề thách thức toàn cầu hiện hữu. Hiện tại, chỉ số định giá P/E 2022 của VN-Index đang ở mức 10 lần, với tăng trưởng lợi nhuận dự phóng là 22,5%.
Kết quả kinh doanh quý 1/2022 cũng đang cho thấy dự báo của Dragon Capital là hợp lý về đà phục hồi tích cực của nền kinh tế. Số liệu tháng 5 cho thấy kinh tế Việt Nam phục hồi ở nhiều lĩnh vực. Trong tháng 5, chỉ số công nghiệp đã tăng 10,4% so với cùng kỳ, và PMI lên 54,7, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện các đơn hàng đang điều hướng sang Việt Nam.
Trong tháng 5, ngành dịch vụ có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ tiêu dùng trong nước. Doanh số bán lẻ tăng 22% trong khi khách du lịch nội địa 5 tháng đạt 48,6 triệu lượt, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cán cân thương mại đảo chiều khi thâm hụt tháng 5 ghi nhận đạt 1,8 tỷ USD, chủ yếu do nhập thêm xăng dầu và giảm xuất. Song, Dragon Capital đánh giá tình hình có thể sẽ được cải thiện khi Việt Nam đã chủ động nguồn cung ứng thay thế và chuyển hướng nhập khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời Trung Quốc có nhiều tín hiệu tốt trong kiểm soát Covid-19 và bắt đầu dần mở cửa trở lại từ cuối tháng trước.
Lạm phát tiếp tục ở trong mức kiểm soát, tăng 0,38% so với tháng trước và 2,9% từ đầu năm. Đáng chú ý, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới nên không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực. Vì vậy, nếu không có thêm rủi ro mới từ thị trường thế giới đẩy giá dầu Brent lên mức bình quân 130-140 USD/ thùng, lạm phát sẽ vẫn được duy trì quanh mức 4,0% trong năm nay. Trong khi đó, đầu tư công mới chỉ đạt 6,4 tỷ USD, tương đương 27,8% mục tiêu năm.
“Nếu có thể giải quyết các khó khăn cũng như tăng tốc độ triển khai và đẩy mạnh tốc độ giải ngân trong nửa cuối năm 2022, Việt Nam sẽ có nhiều dư địa để đạt được mức tăng trưởng GDP trên 7%”, Dragon Capital đánh giá.