Trong HĐQT Vietnam Airlines, mỗi sếp có mức lương riêng. Tuy nhiên, số tiền cao nhất các sếp nhận về trong năm 2021 là gần 1 tỷ đồng/năm.
Cách Vietnam Airlines xác định mức lương của thành viên HĐQT, BKS
Theo tìm hiểu, tiền lương của thành viên HĐQT và BKS Vietnam Airlines được xác định bằng 60% mức tiền lương, thù lao thực tế của từng chức danh tương ứng thực hiện trong năm 2019. Trong khi đó, mức thù lao của thành viên HĐQT, kiểm soát viên không chuyên trách bằng 20% mức tiền lương tương ứng của thành viên HĐQT, kiểm soát viên chuyên trách.
Thông tin từ Ban Kiểm soát (BKS) và Ban giám đốc của Vietnam Airlines, năm 2021, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa nhận 993 triệu đồng, tương đương gần 83 triệu đồng/tháng. Đây là mức tiền lương, thù lao cao nhất tại doanh nghiệp này.
Mức lương của ông Lê Hồng Hà – Tổng giám đốc đứng thứ 2, là 988 triệu đồng/năm, tương đương với mức 82 triệu đồng/tháng. Vào năm 2020, mức lương ông Hà nhận là 600 triệu đồng.
Năm 2021, nhiều lãnh đạo của Vietnam Airlines nhận mức tiền lương khoảng 66 triệu đồng/tháng, tương đương xấp xỉ 800 triệu đồng/năm. Một số khác là thành viên HĐQT như ông Lê Trường Giang, ông Tạ Mạnh Hùng hay Trưởng BKS Nguyễn Thị Thiên Kim nhận lương, thù lao quanh mức 791-796 triệu đồng/năm.
Dự kiến mức lương của HĐQT, BKS Vietnam Airlines năm 2022
Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines trong phiên họp thường niên mới diễn ra đã thông qua tổng quỹ tiền lương và thù lao cho các thành viên HĐQT, BKS thực hiện trong năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
Tổng quỹ tiền lương, thù lao của thành viên HĐQT, BKS thực hiện năm 2021 tăng 35% so với con số được phê duyệt hồi đầu năm, đạt 4,1 tỷ đồng. Trong đó, quỹ tiền lương ở mức 3,8 tỷ đồng, quỹ thù lao là 268 triệu đồng.
Năm nay, dự kiến của Vietnam Airlines về quỹ tiền lương, thù lao của lãnh đạo ở mức 4,15 tỷ đồng. Trong đó, quỹ tiền lương hơn 3,6 tỷ đồng, quỹ thù lao 552 triệu đồng.
Năm 2021, tổng nguồn quỹ tiền lương của Vietnam Airlines được sử dụng là 1.486 tỷ đồng, trong đó 186 tỷ đồng quỹ tiền lương dự phòng năm 2020 được chuyển sang năm 2021.
Do dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của người lao động tại Vietnam Airlines nên năm 2019, tổng công ty này đã báo cáo Chính phủ và đề xuất cơ chế đặc thù về tiền lương, bổ sung vào Nghị định 20/2020/NĐ-CP. Nhưng nếu áp dụng đúng nghị định trên trong năm 2020 thì quỹ tiền lương của Vietnam Airlines chỉ bằng 25% so với năm 2019.
Ông Hòa cho biết, năm 2022, thị trường phục hồi, Vietnam Airlines cố gắng đảm bảo thu nhập của cán bộ công nhân viên bằng 65% so với năm 2019.
Tổng công ty hiện có khoảng 30% lực lượng lao động đang tạm dừng hợp đồng nghỉ dài hạn không lương. Theo chia sẻ của Vietnam Airlines, lực lượng lao động còn lại sẽ được chi trả lương theo khả năng, đóng góp. Ngoài ra, doanh nghiệp này cho biết sẽ áp dụng biện pháp giảm lương cố định, tăng lương hiệu quả công việc.