Trả lời về tình hình thiếu điện cũng như hoạt động cắt điện luân phiên ở một số khu vực, trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều 18/5, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nói về khó khăn đơn vị phải đối mặt trong quá trình đảm bảo cung ứng điện.
Ngành điện lực khó khăn trong đảm bảo cung ứng ở thời kỳ nắng nóng
Trả lời về tình hình thiếu điện và thực tế cắt điện luân phiên đang xuất hiện ở một số khu vực, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), ông Trần Việt Hòa tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 18/5 cho biết, ngành điện lực luôn phải đối mặt với khó khăn về việc đảm bảo cung ứng trong thời kỳ nắng nóng và mùa khô hàng năm.
Theo ông, các hồ thủy điện hiện nay đều trong tình trạng mực nước giảm, thậm chí nhiều hồ còn xuống dưới mực nước chết gây khó khăn vận hành, cung ứng điện.
Để xử lý tình trạng trên, Bộ đã ra nhiều văn bản chỉ đạo cung ứng nhiên liệu than, khí để phát điện. Trong tháng 5, với quan điểm nỗ lực cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội, Bộ tổ chức họp với các tập đoàn để có chỉ đạo cụ thể.
Ngành điện tính toán kỹ, không gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô
Ông Trần Việt Hòa chia sẻ: “Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện, cung cấp than cho phát điện, đàm phán nguồn điện gió, mặt trời chuyển tiếp để huy động nguồn điện, khắc phục các sự cố tại các nhà máy, thực hiện tiết kiệm điện… để giảm căng thẳng cung ứng điện”.
Về huy động nguồn điện của các nguồn năng lượng tái tạo, Bộ đã thống nhất về mức giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư thống nhất.
Về việc giá điện bình quân tăng 3%, theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương và doanh nghiệp liên quan tính toán kỹ vấn đề này và điều chỉnh căn cứ theo Quyết định 24 của Chính phủ. Ông Hòa cho hay, đây là mức tăng thấp nhất của Quyết định 24. Các đơn vị liên quan đã tính toán dựa vào nhiều yếu tố, trong đó không gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.