Theo nghiên cứu mới từ công ty dữ liệu Refinitiv, mô hình dòng vốn của thị trường châu Âu hiện đang diễn ra tương tự như các giai đoạn khủng hoảng thị trường tồi tệ nhất trong lịch sử bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị leo thang và thị trường biến động mạnh, dòng vốn ra ròng của châu Âu đã lên tới 57,2 tỷ euro.
Các quỹ tương hỗ chỉ tính riêng trong tháng 2 đã phải đối mặt với 67,6 tỷ euro dòng tiền chảy ra. Trong khi đó, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) thu hút dòng tiền vào 9,2 tỷ euro.
Quỹ tương hỗ là một hình thức trung gian tài chính mà theo đó, cơ chế hoạt động của quỹ là huy động vốn từ công chúng bằng cách phát hành cổ phiếu. Số tiền này sau đó được sử dụng để mua chứng khoán, cổ phiếu hoặc trái phiếu. ETF là một hình thức quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể. Danh mục của quỹ ETF gồm một rổ chứng khoán có cơ cấu như cơ cấu của chỉ số mà nó mô phỏng.
Cuộc khủng hoảng thị trường tồi tệ nhất lịch sử có lặp lại?
Detlef Glow, nhà nghiên cứu tại Refinitiv cho biết: “Trong môi trường thị trường hiện nay và bất ổn kinh tế, theo xu hướng truyền thống, các nhà đầu tư châu Âu sẽ bán quỹ dài hạn và mua sản phẩm thị trường tiền tệ. Do đó, việc các nhà đầu tư châu Âu bán sản phẩm thị trường tiền tệ khiến nhiều người ngạc nhiên bởi những sản phẩm này được xem như các khoản đầu tư trú ẩn an toàn.”
Các sản phẩm thị trường tiền tệ tương tự các quỹ tiền mặt với mức rủi ro thấp và cung cấp cho nhà đầu tư thanh khoản cao.
Trong 2 tháng đầu năm nay, các quỹ tương hỗ chứng kiến dòng tiền ra 91,9 tỷ euro trong khi 34,7 tỷ euro đổ vào quỹ ETF. Xu hướng này dường như đang mô tả biến động trong giai đoạn thị trường biến động mạnh tương tự khủng hoảng thị trường tài chính năm 2008 hoặc cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2011. Cụ thể, các nhà đầu tư đổ xô vào các quỹ ETF và tháo chạy khỏi các quỹ tương hỗ.
Phân tích của Refinitiv còn chỉ ra rằng các nhà đầu tư hiện nay vẫn đang trong chế độ môi trường risk-on, trong đó, các nhà đầu tư châu Âu đang “phấn khích” với tương lai của nền kinh tế, họ sẽ đặt cược nhiều hơn vào triển vọng của thị trường và các sản phẩm có lãi suất cao bất chấp thách thức hiện nay trên thị trường.