Các nước Liên minh châu Âu EU đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than của Nga từ tháng 8 trong vòng trừng phạt mới chống lại Moscow, tuy nhiên, lãnh đạo các nước EU vẫn đang cân nhắc các lệnh cấm vận dầu Nga vì lo ngại “đòn giáng ngược” vào nền kinh tế.
Sau than đá, châu Âu cân nhắc cấm vận dầu Nga
Lệnh cấm vận than đá là lệnh trừng phạt năng lượng đầu tiên của EU đối với Moscow sau khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các quan chức cho biết EU hiện sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ, mặt hàng nhập khẩu từ Nga lớn hơn nhiều so với than đá.
Than đá là mục tiêu dễ dàng hơn đối với lệnh cấm vận. Dù gần một nửa sản lượng than nhập khẩu của châu Âu là do Nga cung ứng nhưng nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch trên thế giới đã giảm dần và việc tìm nguồn cung thay thế cũng dễ dàng hơn so với dầu mỏ khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, trước sự hối thúc của Mỹ, Ukraine cùng những diễn biến mới liên quan đến tình hình Ukraine đang buộc các nhà lãnh đạo EU phải xem xét lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu dầu mỏ Nga.
Theo theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga hiện là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhì thế giới, sau Saudi Arabia, và đóng góp 14% nguồn cung toàn cầu. Gần hai phần ba xuất khẩu của họ là sang châu Âu. Tháng 3, châu Âu đặt mục tiêu ngừng phụ thuộc vào dầu khí Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, lệnh cấm vận sớm hơn dự kiến đang được bàn bạc.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua tuyên bố Đức có thể ngừng nhập dầu Nga “trong năm nay”. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner ngày 4/4 tuyên bố cần bàn bạc mọi lựa chọn cấm vận chống Nga, nhưng thừa nhận trừng phạt nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ gây nguy hại lớn cho Đức.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng đồng cấp người Mỹ Joe Biden kêu gọi áp lệnh trừng phạt hà khắc hơn với Nga. Tuy nhiên, ông không đề cập khả năng cấm nhập khẩu khí đốt của Nga – nguồn năng lượng thiết yếu đối với Đức, Italy và một số quốc gia Đông Âu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng khẳng định rằng Pháp không muốn đợi lệnh cấm dầu Nga sau khi chứng kiến vụ tấn công đường sắt tại Ukraine.
Trên thực tế, rất khó để các nước thành viên EU nhất trí với lệnh trừng phạt mới. Bởi mức độ phụ thuộc vào dầu Nga của mỗi quốc gia trong khối này khác nhau. Một số quốc gia ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Nhưng những nước khác cho rằng động thái đó sẽ tác động lớn tới nền kinh tế của chính họ mạnh hơn nền kinh tế Nga.
Mặc dù việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với khí đốt tự nhiên của Nga ở thời điểm này không thể thực hiện được vì chúng sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể, nhưng châu Âu có thể chống chịu được nếu cấm vận dầu mỏ Nga.
Mỹ đầu tháng 3 quyết định cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine, theo sau đó là Anh, Canada và Australia. Không giống như Mỹ, nước sản xuất dầu và khí đốt lớn, châu Âu phụ thuộc vào nhập khẩu đối với 90% khí đốt và 97% lượng dầu của mình. Nga cung cấp 40% khí đốt và một phần tư lượng dầu cho châu Âu. Do đó, các quốc gia EU đã không ra quyết định tương tự.