Bộ Xây dựng vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình trạng tranh chấp, khiếu nại về quỹ bảo trì tại nhiều chung cư.
Bộ Xây dựng cho rằng, thời gian qua có nhiều chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư quản lý, sử dụng quỹ bảo trì không chấp hành hoặc chấp hành nhưng không đầy đủ theo quy định. Vì thế, xảy ra tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài.
Việc người dân ở nhiều khu chung cư căng băng rôn tại các nhà chung cư, các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền đã gây mất mỹ quan đô thị, tạo ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư (còn gọi là kinh phí bảo trì).
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định Nghị định 99 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an trên địa bàn, tiến hành xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định. Cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định.
Chủ đầu tư quản lý và bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 20/2021 của Chính phủ, Thông tư 02/2016 và Thông tư 09/2019 của Bộ Xây dựng.
Theo đó, với mỗi dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nhà chung cư, chủ đầu tư phải mở 1 tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng, gửi có kỳ hạn để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, phần diện tích khác và nộp theo quy định.
Sau đó, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền.
Kinh phí bảo trì phải được bàn giao ngay sau khi ban quản trị được thành lập. Sau khi được bàn giao, ban quản trị nhà chung cư phải quản lý kinh phí bảo trì theo quy định; sử dụng kinh phí bảo trì đảm bảo đúng mục đích, công khai, minh bạch theo đúng quy định của Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng…
Nếu chủ đầu tư không bàn giao hồ sơ nhà chung cư, không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định, phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đối với bộ phận này, Bộ Xây dựng yêu cầu “không được kích động người khác gây mất trật tự, an ninh tại khu vực nhà chung cư”.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định tại Thông tư 02/2016; bàn giao hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn và quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định.
Bộ Xây dựng nghiêm cấm chủ đầu tư có các hành vi như chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư; sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng; sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp so với quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và nội dung dự án đã được phê duyệt, trừ trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục trao đổi, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra quỹ bảo trì nói riêng đối với Thanh tra các Sở xây dựng trên toàn quốc.
Đồng thời, tiến hành tổng hợp các bất cập của chính sách, pháp luật về nhà ở trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì để kiến nghị với Lãnh đạo Bộ sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.
M.M (Tổng hợp)