Trung Quốc là một vấn đề lớn và Mỹ phải tìm cách đáp ứng thách thức cạnh tranh. Cuộc đối đầu quân sự và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp chúng ta xác định ai sẽ là người dẫn đầu trật tự trong khu vực và trên thế giới.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Anne O. Krueger ngày 23/9/2021
Tấn công hay phòng thủ?
Bất chấp bầu không khí hỗn loạn và sự phân cực chính trị ở Washington, tất cả các bên dường như đồng ý rằng Trung Quốc là một vấn đề lớn và Mỹ phải tìm cách đáp ứng thách thức cạnh tranh. Cuộc đối đầu quân sự và kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ giúp chúng ta xác định ai sẽ là người dẫn đầu trật tự trong khu vực và trên thế giới.
Tăng trưởng kinh tế là nền tảng để thiết lập sức mạnh quân sự. Để duy trì và củng cố vai trò lãnh đạo của mình trong nền kinh tế toàn cầu, Mỹ phải tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng minh, đồng thời củng cố nền kinh tế quốc gia. Vậy tại sao chính quyền của Tổng thống Joe Biden lại theo đuổi các chính sách vừa tăng cường sức mạnh cho Trung Quốc vừa làm giảm lợi thế kinh tế của Mỹ?
Thay vì tìm cách cải thiện năng suất kinh tế, chính quyền Mỹ đang bắt chước các chính sách can thiệp tích cực của Trung Quốc trong việc chính phủ quyết định ai thắng ai thua trong công nghệ và sản xuất công nghiệp. Khi làm như vậy, chính phủ đang từ bỏ truyền thống của Mỹ phát triển hệ thống thương mại đa phương, nhà nước pháp quyền và khu vực tư nhân.
Trong bất kỳ cuộc đối đầu nào, luôn có hai chiến lược cơ bản để bạn lựa chọn. Bạn càng dành nhiều nguồn lực và sự chú ý cho một chiến lược, thì bạn càng dành ít nguồn lực cho chiến lược kia. Chiến lược thứ nhất là tấn công: theo hướng tăng cường năng lực nội tại của nền kinh tế; Chiến lược thứ hai là phòng thủ: nhằm mục đích làm suy yếu đối thủ cạnh tranh.
Đối với Trung Quốc, Mỹ dường như đang thử theo đuổi chiến lược phòng thủ, nhưng trên thực tế đã không thành công. Đây là cách tiếp cận của cựu Tổng thống Donald Trump, người đã phát động “cuộc chiến thương mại” bằng cách áp đặt thuế quan và trừng phạt đối với Trung Quốc. Bất chấp những hành động này, Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm hơn 6% trong giai đoạn 2017 – 2019, cao hơn hẳn mức tăng trưởng trung bình hàng năm 2,5% của nền kinh tế Mỹ trong năm 2018 cùng bước. Năm 2020, năm xảy ra cú sốc COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thêm 2,3%, trong khi GDP của Mỹ giảm hơn 3,5%. Trong dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho năm 2021, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 8,1%, so với khoảng 7% của Hoa Kỳ.
Mặc dù chiến lược bảo hộ của Trump đã thất bại, chính quyền Biden vẫn tiếp tục bằng cách giữ nguyên mức thuế của chính quyền cũ và khuyến khích “mua hàng Mỹ”. Thông qua các hành động đơn phương, Trump đã làm suy yếu hệ thống đa phương mở và gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ dưới thời Biden giành lại được sự ủng hộ của hầu hết các đồng minh, lực lượng này sẽ không đủ lớn hoặc đủ mạnh nhiều hơn là làm chậm lại sự trỗi dậy của Trung Quốc chứ không thể ngăn cản.
Chính sách bảo hộ không chắc sẽ thành công
Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, không có quốc gia nào dựng lên những bức tường bảo hộ đạt được tăng trưởng kinh tế tốt trong dài hạn. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã dẫn dắt phần lớn thế giới theo hướng tốt hơn. Nhưng thay vì áp dụng một chiến lược tấn công dựa trên việc củng cố vai trò này và làm gương, Hoa Kỳ hiện đang theo đuổi loại chính sách bảo hộ mà từ lâu đã thất bại ở nhiều quốc gia khác.
Trên thực tế, “chọn người chiến thắng” sẽ dẫnđến việc hỗ trợ người thua cuộc. Chịu đựng áp lực chính trị và cung cấp trợ cấp cho các doanh nghiệp đang thất bại chỉ đơn thuần là kéo dài sự kém hiệu quả kinh tế. Không có lý do gì tại sao các quan chức lại phải được giao phó việc xác định những đổi mới nào sẽ chứng tỏ thành công trong tương lai. Cạnh tranh giữa các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp tư nhân đương nhiệm là một cơ chế hiệu quả hơn nhiều.
Chủ nghĩa bảo hộ và trợ cấp cũng khuyến khích hành vi độc quyền trong nước, dẫn đến năng suất kinh tế thấp hơn và thậm chí gây áp lực duy trì các đặc quyền này. Các chính sách này cũng hạn chế những người mới tham gia thị trường và gây khó khăn cho việc mở rộng các doanh nghiệp nhỏ hiện tại.
Tương tự như vậy, các quyết định thương mại của Mỹ vừa hạn chế tăng trưởng kinh tế của Mỹ vừa làm suy yếu các đồng minh, do đó làm giảm vị thế toàn cầu của Mỹ. Ví dụ gần đây, chính quyền Biden đã quyết định không thay đổi chính sách rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Trump. TPP bao gồm 11 quốc gia Thái Bình Dương và đặc biệt hiệp định này không bao gồm Trung Quốc. Nó có tiềm năng trở thành khối thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Nếu tham gia vào khối TPP, Mỹ rõ ràng sẽ gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Nhiều người mong đợi Biden sẽ đàm phán để Hoa Kỳ quay lại tham gia phiên bản mới của TPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP do cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đứng đầu sau khi Trump rút lui. Nhưng chính quyền Biden kể từ khi lên nắm quyền đã phát đi tín hiệu rằng họ không có kế hoạch tham gia CPTPP.
Trong khi đó, Trung Quốc đang lợi dụng những sai lầm chiến lược của Mỹ bằng cách tích cực đàm phán để trở thành thành viên của CPTPP (như Anh đã làm). Cho đến nay, không còn hy vọng duy trì hoặc củng cố quyền bá chủ của Mỹ, cách tiếp cận của chính quyền Biden đã vô hình chung cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.
Trong hơn một thế kỷ qua, Mỹ là nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới vì nước này luôn tuân theo nền kinh tế theo định hướng thị trường tự do, pháp quyền và thương mại đa phương. Mỹ dẫn đầu Tây Âu, Đông bsg Đông Nam Á và các khu vực kinh tế khác. Những chính sách này đã củng cố các đồng minh của Mỹ và do đó củng cố quyền bá chủ của nước này.
Ngày nay, Trung Quốc đang trỗi dậy, một phần lớn là do nước này từ bỏ các chính sách kinh tế trước đây không phù hợp để chuyển sang một hệ thống định hướng thị trường hơn. Trong khi đó, thật mỉa mai khi Mỹ quyết định từ bỏ hệ thống của mình để học theo các biện pháp can thiệp nhà nước theo kiểu Trung Quốc. Khi áp dụng các chính sách kiểu Trung Quốc, Mỹ không chỉ tự làm giảm lợi thế cạnh tranh mà còn đang rời xa hệ thống đa phương theo định hướng thị trường tự do và dần dần suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình.
Loại bỏ các biện pháp bảo hộ và củng cố hệ thống đa phương tự do sẽ mang lại kết quả tốt hơn nhiều so với cách tiếp cận của Trump. Mỹ nên trở lại với tư cách là nhà lãnh đạo mang tính xây dựng trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tìm kiếm sự đồng thuận để giải quyết các vấn đề quan trọng như thương mại điện tử và biến đổi khí hậu. Trung Quốc càng cố gắng phát triển các ngành công nghiệp do nhà nước bảo trợ, thì Mỹ càng phải làm nhiều hơn để chứng minh rằng có một giải pháp thay thế tốt hơn.
Về tác giả Anne O. Krueger
Anne O. Krueger là cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và cựu Phó Giám đốc Điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Bà cũng là Giáo sư Nghiên cứu Cao cấp về Kinh tế Quốc tế tại Đại học Johns Hopkins và Thành viên Cấp cao tại Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Stanford.
Nguồn: Tác giả Anne O. Krueger
Dịch: Đan Linh – Nguồn: Project Syndicate