Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế.
Nghị định 92 về miễn giảm thuế có hiệu lực từ 19/10
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.
Bước sang năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong khi diễn biến dịch COVID-19 còn hết sức phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu tiếp tục ban hành các giải pháp miễn, giảm thuế để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính và thẩm định của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã thông qua chủ trương để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện nội dung hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Chính phủ cũng đã khẩn trương ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế để Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sớm đi vào cuộc sống. Nghị định 92/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/10/2021.
4 nhóm giải pháp gồm:
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.
- Miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021.
- Giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề.
- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.
Hướng dẫn mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo đó, nghị định này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15, gồm có:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập.
Mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định như sau:
- Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với trường hợp doanh nghiệp nêu ở trên, có doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019.
- Không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.
- Trong đó, kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch. Nếu doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp xác định theo năm tài chính áp dụng quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.
- Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì doanh thu của kỳ tính thuế đó được xác định bằng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế chia cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế nhân với 12 tháng.
- Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.
- Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập là năm 2020 hoặc kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản là năm 2022 mà có thời gian ngắn hơn 03 tháng và doanh nghiệp được cộng vào kỳ tính thuế năm 2021 để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì việc xác định doanh thu và số thuế được giảm chỉ áp dụng đối với 12 tháng của kỳ tính thuế năm 2021.
- Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thể hiện trên báo cáo tài chính tổng hợp năm.
Cát Anh