Khi gửi tiết kiệm ngân hàng, chắc hẳn bạn sẽ luôn thắc mắc là nên lựa chọn kỳ hạn như thế nào để tối ưu lãi suất một cách tốt nhất. Vậy hãy cùng tham khảo công thức dưới đây để tìm ra đáp án cho mình nhé.
Công thức của chuyên gia hoạch định tài chính
Hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn đang trong cảnh trầm lắng, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, trong khi kênh vàng lại giao dịch thận trọng… Do đó, nhiều nhà đầu tư tìm kiếm đến kênh đầu tư tại ngân hàng là gửi tiết kiệm khi có tiền nhàn rỗi.
Nếu theo sát diễn biến của ngân hàng trong năm 2022 có thể thấy, lãi suất huy động tiền gửi đã chứng kiến không ít lần niêm yết thay đổi của các nhà băng. Chính vì thế, nhiều khách hàng đã chọn lựa gửi tiền ở kỳ hạn ngắn thay vì gửi tiền kỳ hạn dài. Như vậy, trong trường hợp biểu lãi suất tăng, họ sẽ rút ra để gửi tiếp.
Ít ai biết rằng, thực tế có công thức tính toán, xác định cách tối ưu hóa khoản tiền gửi của mình. Và công thức này đã được chuyên gia hoạch định tài chính Nguyễn Phụng Sang – Hội viên CMA Australia – chương trình chuyên môn quốc tế trong lĩnh vực quản trị tài chính và quản chiến lược dành cho các nhà quản lý cấp cao tại Australia tiết lộ trên báo Dân Trí.
Theo đó, công thức tính có tên là “implied forward yield” – mức tăng lãi suất kỳ vọng (của kỳ hạn ngắn hơn khi gửi lần 2) để hòa với lãi suất của kỳ hạn dài.
Ví dụ cụ thể
Ví dụ được đưa ra là: Ngân hàng A niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 8%/năm. Vậy khi gửi 3 tháng lần thứ nhất, thì lãi suất gửi tiếp 3 tháng lần thứ 2 sẽ phải tăng lên bao nhiêu mới đem lại khoản lãi bằng với việc gửi luôn lãi suất 6 tháng ngày hôm nay?
Công thức được đưa ra như sau: (1+6%) x (1 + X) = (1+8%)2
(Trong đó, X là “implied forward yield”)
Đáp án của công thức này khi giải ra cho kết quả, X xấp xỉ 10%.
Nói cách khách, sau khi bạn gửi tiết kiệm 3 tháng ở mức lãi suất 6%/năm, thì để có tiền lãi của 3 tháng tiếp theo bằng với gửi 6 tháng lãi suất 8%/năm ở thời điểm hiện tại, ta phải gửi ở lãi suất 10%/năm.
Lấy thêm một ví dụ khác: Ngân hàng B niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7%/năm. Để gửi kỳ hạn 3 tháng lần thứ 2 bằng với kỳ hạn 6 tháng 7%/năm, thì mức lãi suất kỳ hạn 3 tháng lần 2 sẽ được tính theo công thức: (1+5%) x (1 + X) = (1+7%)2. Đáp án giải ra là X xấp xỉ 9%.
Thông qua phép tính này, bạn hoàn toàn lựa chọn được kỳ hạn gửi lãi suất tiết kiệm sao cho tối ưu nhất.
Những bí quyết khác giúp gửi tiết kiệm sinh lời tốt nhất
Ngoài việc chọn kỳ hạn đúng thì có một số những yếu tố cũng sẽ giúp bạn có thể tối ưu lãi suất gửi tiết kiệm, có thể kể đến như: Lựa chọn ngân hàng, chọn sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng, tiện ích, dịch vụ đi kèm, cụ thể như sau:
Lựa chọn ngân hàng lớn hay nhỏ?
Khoản lãi bạn nhận được phần lớn sẽ quyết định bởi việc bạn chọn gửi tiết kiệm ngân hàng nào. Nói một cách dễ hiểu, các ngân hàng lớn bạn sẽ được đảm bảo an toàn đối với các khoản tiền gửi tiền tiết kiệm cao hơn. Và ngược lại, các ngân hàng nhỏ thường sẽ có mức lãi suất cao hơn.
Tính trung bình, tỷ số lãi suất tại các ngân hàng nhỏ sẽ nhỉnh hơn từ 0,5% đến 1,5% so với ngân hàng lớn. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, các ngân hàng lớn cũng đang có chính sách tăng lãi suất nhằm giữ chân khách hàng cũ, thu hút nhiều khách hàng mới. Vậy, để tối ưu lãi suất từ khoản tiền tiết kiệm, bạn có thể lựa chọn những ngân hàng quy mô vừa đủ với mức lãi suất gửi tiết kiệm ưu đãi.
Chọn sản phẩm tiết kiệm tối ưu
Với khoản tiền nhàn rỗi lớn, bạn có thể gửi theo hình thức tiết kiệm bậc thang để hưởng lãi cao nhất. Còn trường hợp những khoản tiền nhỏ, phát sinh đều đặn hàng tháng, bsản phẩm tiết kiệm gửi góp để tích lũy dần trong tương lai là một lựa chọn phù hợp.
Gửi tiết kiệm ở ngân hàng có lãi suất cao
Lãi suất được áp dụng là lãi suất thả nổi hoặc lãi suất cố định tùy theo từng ngân hàng. Trong đó, lãi suất thả nổi có thể tăng giảm, lãi suất cố định giữ nguyên trong kỳ. Trước khi quyết định gửi tiết kiệm ngân hàng, bạn nên cân nhắc việc theo lãi suất nào.
Có 2 cách tính lãi khi gửi tiết kiệm, một là lãi nhập vào vốn, hai là tất toán lãi riêng không nhập gốc. Thông thường, bạn có khoản lãi tốt hơn khi lĩnh lãi cuối kỳ thay bằng nhận lãi theo từng tháng.
Gửi nhiều sổ tiết kiệm thay vì chỉ một
Nếu rút tiền tiết kiệm trước kỳ hạn, bạn sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, chỉ dao động trong khoảng 0,1%. Lời khuyên được đưa ra là bạn nên chia thành nhiều sổ nhỏ. Trong trường hợp có việc gấp cần sử dụng tiền, bạn chỉ cần rút một sổ. Những sổ tiết kiệm khác, bạn sẽ vẫn được hưởng mức lãi suất tiết kiệm như cam kết ban đầu.
Cân nhắc tiện ích và dịch vụ đi kèm
Bạn cũng nên cân nhắc những tiện ích và dịch vụ kèm trước khi mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng. Ví dụ: Ngân hàng có cho phép mở tài khoản tiết kiệm online không? Lãi suất áp dụng như thế nào? Có giải pháp để tối đa hoá lãi suất bạn nhận khi bạn cần tất toán khoản tiết kiệm trước kỳ hạn?…