Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI- công ty chứng khoán đầu ngành của Việt Nam vừa có chia sẻ trên trang cá nhân liên quan đến những biến động thị trường chứng khoán gần đây.
Theo thống kê đến 19/4, VN-Index đã rớt giá 118 điểm, vốn hoá bốc hơi hơn 19 tỷ USD. Hàng loạt cổ phiếu “rơi” mạnh mất giá 20-30% chóng vánh trong hơn 1 tuần khiến cho nhà đầu tư rơi vào hoảng loạn, bán tháo bằng mọi giá. Tâm lý bi quan bao trùm thị trường.
Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng khi tăng lãi suất giá vốn không còn rẻ thì thị trưởng chứng khoán tất nhiên sẽ giảm điểm. Đây mới chính là nguyên nhân của xu thế thị trường những ngày qua khi cả thế giới đang kiểm soát cung tiền ra thị trường. Việc cơ quan chức năng kiểm soát việc giao dịch của một số nhóm thao túng thị trưởng, cũng như đang kiểm tra chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán nhưng thực sự vẫn theo xu thế chung của thị trưởng thế giới.
Từ đầu năm tới nay, VN-Index giảm 7%, Mỹ (SP500) giảm 6,4%, Hàn Quốc giảm 9%, Hang Seng giảm 9,7%, Trung Quốc giảm 16,5% ….
Ông Hưng cho biết, theo thống kê, sau khi tăng lãi suất, thì 2 tháng đầu thị trường chứng khoán luôn bị điều chỉnh giảm, nhưng sau 12 tháng thì đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước khi tăng lãi suất.
“P/E dự báo của thị trường Việt Nam cho 2022 đang là tầm 13.5, khá là thấp. Trong đó có nhiều ngành nghề sẽ hưởng lợi trước tỉnh hình hiện tại của thế giới. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc thị trường tăng nóng ở đỉnh. Còn tất nhiên khi thị trường giảm bất kể vì lý do gì thì các nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan nhưng “qua cơn mưa trời lại sáng”, việc lành mạnh hoá thị trường luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế!”, ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Thống kê của SGI Capital, toàn bộ các thị trường tài sản tài chính toàn cầu (gồm trái phiếu và cổ phiếu), trị giá hơn 60k tỷ USD, đang có mức lỗ 9,2% tính từ đầu năm. Hơn 5.000 tỷ USD vốn hóa đã mất đi. Đây là năm có khởi đầu tệ nhất trong hơn 30 năm được thống kê (từ 1990).