Cùng Vimoney tìm hiểu khái niệm chứng chỉ tiền gửi là gì? cũng như ưu nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi.
Khái niệm chứng chỉ tiền gửi là gì?
Theo quy định của pháp luật, chứng chỉ tiền gửi (CCTG) là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành đối với người mua trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Chứng chỉ tiền gửi cũng có thể được hiểu là loại giấy tờ có giá trị, được ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác. Theo đó, chứng chỉ tiền gửi được ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn nào đó tại ngân hàng.
Phân loại chứng chỉ tiền gửi
Chứng chỉ tiền gửi được chia thành 3 loại, gồm có:
- CCTG ghi danh: Là giấy tờ có giá, được phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu.
- CCTG vô danh: Là giấy tờ có giá, được phát hành theo hình thức chứng chỉ nhưng không ghi tên người sở hữu. Ai nắm giữ CCTG thì có quyền sở hữu.
- CCTG ghi sổ: Là giấy tờ có giá, loại chứng chỉ này không thể chuyển nhượng. Nó sẽ được bán theo mệnh giá, đồng thời trả lãi vào ngày đáo hạn.
Nội dung ghi trên chứng chỉ tiền gửi
Trên chứng chỉ tiền gửi sẽ ghi các nội dung theo quy định của phát luật, gồm có:
- Tên tổ chức phát hành; Tên gọi chứng chỉ tiền gửi; Ký hiệu, số sê-ri phát hành.
- Chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cùng với các chữ ký khác theo quy định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Mệnh giá, ngày phát hành, thời hạn, hạn thanh toán.
- Lãi suất, thời điểm trả lãi, phương thức trả lãi, địa điểm thanh toán gốc và lãi.
- Họ tên, số CMT hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu vẫn còn hiệu lực; địa chỉ của người mua (cá nhân hoặc tổ chức). Tên tổ chức mua, số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp/số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Đối với kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính phát hành cần ghi rõ việc người sở hữu chỉ được chuyển quyền sở hữu cho tổ chức;
- Các nội dung khác của kỳ phiếu, tín phiếu, CCTG do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định.
Mua chứng chỉ tiền gửi cần điều kiện gì?
- Người Việt Nam/người nước ngoài đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam;
- 18 tuổi trở lên;
- Có giấy tờ chứng minh nhân thân đầy đủ;
- Có giao dịch tại ngân hàng mua chứng chỉ tiền gửi.
- Một vài yêu cầu khác tùy vào các ngân hàng
Ưu, nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi
Ưu điểm
- Trong thời gian gửi, cả gốc và lãi sẽ được bảo đảm giống như gửi tiết kiệm, có rủi ro thấp.
- Lãi suất thường cao hơn tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn.
- Cầm cố, chuyển nhượng linh hoạt.
Nhược điểm
- Không được thanh toán trước hạn.
- Đầu tư dài hạn lãi suất thấp
- Tính thanh khoản không cao.
Phân biệt chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm
Sổ tiết kiệm không phải là giấy tờ có giá – bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Sổ tiết kiệm chỉ là một loại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản được ghi nhận trong sổ tiết kiệm.
Lãi suất của gửi tiết kiệm cao nhất từ 6-7% tùy từng kỳ hạn. Trong khi đó, chứng chỉ tiền gửi thì lãi suất cao nhất gần 9%, cũng tùy thuộc vào kỳ hạn.
Kỳ hạn của sổ tiết kiệm thông thường từ 1 – 24 tháng. Trong khi, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài hơn, từ 6-84 tháng, tùy theo ngân hàng và đợt phát hành.
Tính thanh khoản của gửi tiết kiệm cao, có thể rút trước kỳ hạn với lãi suất rất thấp. Trong khi chứng chỉ tiền gửi thanh khoản kém hơn, không được rút trước hạn. Nếu có thì cũng phải được nửa kỳ hạn.
Bởi vậy, khách hàng nên cân nhắc, phân tích kỹ để quyết định gửi tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi. Đối với khách hàng có tài chính nhàn rỗi, không dùng trong khoảng thời gian cố định thì nên đầu tư vào CCTG.