Sáng 11/4, thị trường tiền số và chứng khoán châu Á quay đầu giảm sau phiên bùng nổ trước đó.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhà đầu tư sợ hãi bán tài sản rủi ro khiến cho các thị trường chứng khoán lớn của châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch mở cửa ngày 11/4.
Chỉ số Nikkei 225 và Topix (Nhật Bản) cùng giảm hơn 4%. Đà giảm đã thu hẹp so với đầu phiên. Kospi (Hàn Quốc) mất 1,2%. S&P/ASX 200 của Australia hạ 1,2%.
Chỉ số Shanghai Composite tại thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đi xuống 0,1%. Trong khi đó, Hang Seng Index (Hong Kong) giảm 0,3%.

Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày. Nhờ đó, thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc. Tuy nhiên, những giây phút “rực rỡ” ấy không kéo dài, đà bán tháo đã quay trở lại chỉ sau một phiên.
Theo nhận định của các nhà phân tích tại ANZ: “Việc hoãn thuế không đẩy lùi được sự bất ổn. Nhà đầu tư vẫn ngờ vực về kết quả đàm phán. Việc này sẽ tiếp tục gây sức ép lên đầu tư và triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới”.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc khiến nhà đầu tư càng lo ngại. Khi mà, tổng thuế nhập khẩu mà Mỹ áp với Trung Quốc hiện đã lên 145%.
Thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua cũng quay đầu giảm. Chốt phiên 10/4, S&P 500 mất 3,4%, Nasdaq giảm 4,3% và DJIA hạ 2,5%.
Nhóm cổ phiếu đại gia công nghệ Mỹ cùng trong guồng giảm ấy bởi tiếp tục chịu sức ép. Apple giảm 4,2%. Nvidia mất gần 6%, trong khi Meta Platforms giảm 7%. Cổ phiếu hãng xe điện Tesla thậm chí mất tới 7,3%.
Không ngoại lệ, thị trường tiền số, giá Bitcoin hiện về mức 79.293 USD một đồng, mất 3,5%. Các token khác như Ether và Solana thậm chí còn giảm sâu hơn, tới hơn 6%.
Thời gian qua, diễn biến của Bitcoin bám sát thị trường chứng khoán. đồng tiền này đã mất 18% tính từ thời điểm đầu năm. Nếu so với đỉnh hồi tháng 1, giá hiện thấp hơn 25%.