Trong phiên giao dịch ngày 20 tháng 1, thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương đa phần tăng, do Trung Quốc vừa thông báo sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản.
Hang Seng Hồng Kông tăng mạnh
Tại thị trường Hồng Kông, chỉ Hang Seng đứng đầu mức tăng, với con số lên đến 3,3%, trong khi cả cổ phiếu công nghệ và bất động sản đều tăng.
Tại thị trường Trung Quốc đại lục không có nhiều biến động trong phiên giao dịch buổi chiều, với sàn chứng khoán Thượng Hải và sàn chứng khoán Thâm Quyến gần như đi ngang.
Cũng trong ngày 20 tháng 1, Trung Quốc đã thông báo cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản theo năm xuống 10 điểm cơ bản, trong khi đó lãi suất tham chiếu LPR 5 năm của nước này, vốn chịu tác động bởi định giá của các khoản thế chấp nhà, đã giảm 5 điểm cơ bản, đây là lần đầu tiên lãi suất tham chiếu LPR giảm điểm kể từ tháng 4 năm 2020.
Cổ phiếu của các công ty bất động sản đã có pha lội ngược dòng sau thời gian quay cuồng trong khủng hoảng nợ. Điển hình như chỉ số Hang Seng bất động sản đại lục đã tăng 4,26%, trong khi Sunac tăng mạnh 12%, Shimao nhảy vọt gần 10% và Country Garden tăng 3%.
Capital Economics nhận định rằng, động thái cắt giảm lãi suất cho thấy nỗ lực của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) nhằm giảm các khoản vay.
Ngoài ra, chỉ số Hang Seng công nghệ tại Hồng Kông cũng tăng mạnh hơn 4% trong ngày 20 tháng 1, cụ thể: Tencent tăng 6,42%, Alibaba tăng 5,23% và Meituan nhảy vọt hơn 9%.
Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương đa phần tăng
Tại các nơi còn lại trong khu vực, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,11% , đóng cửa giao dịch ở mức 27.772,93. Trong khi đó, chỉ số Topix cũng giao dịch ở mức 1.938,53 – tăng gần 1%.
Sau khi có pha sụt giảm mạnh hơn 12% vào phiên trước, cổ phiếu của Sony đã hồi phục gần 6% trong hôm nay.
Vào ngày 18 tháng 1, Microsoft thông báo họ đã mua lại nhà phát hành trò chơi điện tử Activision Blizzard với giá gần 69 tỷ USD.
Theo dữ liệu thống kê được công bố vào ngày 20 tháng 1, trong tháng 12, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước – cao hơn mức dự đoán 16% trong cuộc thăm dò của Reuters.
Còn tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng nhẹ 0,72%, trong khi đó, chỉ số ASX 200 tại Úc gần như đi ngang, tăng 0,14% ở mức 7.342,40.
Tiền tệ và dầu mỏ
Trong ngày 19 tháng 1, do sự cố ngừng hoạt động của đường ống dẫn dầu từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ qua một đêm, giá dầu đã chạm đến mức tăng kỷ lục trong vòng 7 năm. Cụ thể. dầu thô Brent giao dịch ở mức 89,05 USD / thùng – đây là mức cao nhất kể từ 13 tháng 10 năm 2014. Trong khi đó, dầu thô Mỹ giao dịch ở mức 86,96 USD / thùng, tăng 1,8%.
Còn trong phiên giao dịch ngày 20 tháng 1 theo giờ châu Á, giá dầu vẫn duy trì mức tăng. Theo đó, dầu thô Mỹ tăng 0,36%, giao dịch ở mức 87,27 USD / thùng, còn dầu thô Brent tăng nhẹ, giao dịch ở mức 88,50 USD / thùng.
Chỉ số đồng đô la Mỹ, đo lường sức mạnh với 6 đồng tiền chủ chốt ở mức 95,538, tiếp đà giảm và thấp hơn mức 95,6 ghi nhận trước đó.
Đồng yên Nhật giao dịch ở mức 114,49 yên / USD, suy yếu so với mức trên 114,5 yên / USD ghi nhận trước đó.
Đồng đô la Úc giao dịch ở mức 0,7229 / USD, phục hồi từ mức 0,721 / USD trước đó.