Trong phiên giao dịch ngày 21 tháng 1, thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương quay đầu giảm sâu. Đồng thời, giá dầu đã mất đà tăng giá và giảm mạnh 2%.
Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương lao dốc, ASX 200 dẫn đầu mức giảm
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã suy yếu so với phiên trước đó, đóng cửa giao dịch ở mức 27.522,26 – giảm 0,9%. Trong khi đó, chỉ số Topix ở mức 1.927,18 – giảm 0,59%.
Cổ phiếu công nghệ và ô tô chứng kiến sự sụt giảm trên phạm vi rộng lớn, tuy nhiên đã phục hồi so với mức thua lỗ trước đó, cụ thể: Cổ phiếu của Toyota giảm hơn 2%, cổ phiếu của Mazda giảm 3,39% và cổ phiếu của Mitsubishi giảm 3,73%.
Đối với nhóm cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu của Sony giảm 1,37% và cổ phiếu của Softbank giảm 0,72%.
Theo dữ liệu công bố vào ngày 21 tháng 1 về lạm phát Nhật Bản, trong tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của quốc gia này đã tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, do sự gia tăng của chi phí nhiên liệu và nguyên liệu thô. Reuters cho biết, đây là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số này duy trì tốc độ tăng cao nhất, tính từ gần 2 năm trước.
Tại Úc, chỉ số ASX 200 giảm mạnh 2,27%, dẫn đầu mức giảm trong khu vực, đóng cửa giao dịch ở mức 7.175,80. Nguyên nhân là do các công ty khai thác lớn, dầu một hay ngân hàng đều ghi nhận giảm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng sụt giảm trong ngày 21 tháng 1, với sàn chứng khoán Thượng Hải giảm 0,91%, đóng cửa giao dịch ở mức 3.522,57; sàn chứng khoán Thâm Quyến giao dịch ở mức 14.029,55 – giảm 1,19%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi đã giảm gần 1%, giao dịch ở mức 2.834,29.
Chỉ số Taiex trên sàn chứng khoán Đài Loan cũng giảm 1,75% xuống còn 17.899,30.
Tính đến giờ giao dịch cuối cùng, chỉ số Hang Seng Hồng Kông đã tăng nhẹ 0,05%. Cổ phiếu của “gã khổng lồ” Alibaba giảm sâu 3,7%.
Tiền tệ và dầu mỏ
Giá dầu đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 20 tháng 1, sau khi chạm mức kỷ lục kể từ năm 2014 vào ngày 19 tháng 1, sự sụt giảm của giá dầu đến từ việc tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn trước nguồn cung giá dầu.
Còn trong phiên giao dịch ngày 21 tháng 1 theo giờ châu Á, giá dầu tiếp tục giảm, tuy nhiên đã phục hồi so với mức giảm sâu 3% ghi nhận trước đó. Cụ thể: Dầu thô Mỹ giảm xuống 1,57%, giao dịch ở mức 84,2 USD / thùng; còn dầu thô Brent giao dịch ở mức 87,17 USD / thùng, giảm 1,37%.
Về tiền tệ, chỉ số đồng đô la Mỹ, đo lường sức mạnh so với 6 đồng tiền chủ chốt ở mức 95,675, tăng so với phiên giao dịch trước đó.
Đồng yên Nhật giao dịch ở mức 113,84 yên / USD, tiếp tục tăng lên từ mức 114 yên / USD.
Đồng đô la Úc giao dịch ở mức 0,7193 / USD, suy yếu so với mức 0,72 / USD ghi nhận trước đó.