Năm 2021, VN-Index tăng 35,7% giúp chứng khoán Việt Nam lọt vào top 10 chỉ số chứng khoán đi lên mạnh nhất thế giới.
Chứng khoán Việt Nam xếp thứ 7
Năm 2021, VN-Index đóng cửa tại 1.498,28 điểm. Với chỉ số tích luỹ là hơn 394 điểm, VN-Index tăng 35,72% so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân xuất phát từ việc tăng mạnh số lượng tài khoản mới, lãi suất tiết kiệm thấp khiến dòng tiền nhàn rỗi ồ ạt chảy vào chứng khoán.
VN-Index giữ mạch đi lên và 2021 là năm thứ ba liên tiếp giữ vững mắc tăng trưởng. Trong vòng một thập kỷ, đây là giai đoạn tăng trưởng ấn tượng thứ 2. Trước đó, năm 2017, VnIndex tăng gần 48%. Năm 2019, VN-Index tăng 7,61%, năm 2020 là 14,68%.
Dữ liệu của StockQ.org cho thấy, trong danh sách những thị trường tăng mạnh nhất năm qua, chứng khoán Việt Nam xếp thứ 7. Dẫn đầu là thị trường Abu Dhabi, tiếp đó phải kể đến Argentina, Iceland, Áo và Cộng hoà Czech.
Trong khu vực, các thị trường phát triển tăng trưởng tương đối khiêm tốn nên thứ hạng của chứng khoán Việt Nam ở mức cao hơn. VN-Index tăng 35,72% so với năm 2021, trong khi đó mức tăng trưởng của Đài Loan là 24,04%, Thái Lan tăng 14,37%, Singapore tăng 8,97%, Nhật Bản tăng 4,91%, Hàn Quốc tăng 3,63%. Thậm chí, một số thị trường còn đi lùi như Hong Kong, Malaysia.
Diễn biến của các thị trường chứng khoán đã vượt xa dự đoán của nhiều công ty chứng khoán. Đầu năm ngoái, VnIndex được dự đoán chỉ có thể chạm mốc 1.180 điểm. Trong khi đó, chứng khoán Yuanta được kỳ vọng sẽ chạm 1.364 điểm; Mirae Asset dao động trong vùng 1.355-1.425 điểm.
Đặc biệt, sàn Hà Nội, HNX-Index có đà tăng ấn tượng hơn nhiều khi đóng cửa tại 473,99 điểm. Trong năm qua, sàn này tích luỹ hơn 270 điểm, tương ứng 133%. Sau phiên 31/12/2021, vốn hóa của sàn niêm yết Hà Nội là hơn 500.000 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn hóa của sàn HOSE của TP.HCM là 5,83 triệu tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán Việt 2021
Trong số 10 mã cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, có đến 5 mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng trên 1.000%, thậm chí tăng hơn 2.000%.
Mã ATA của Công ty cổ phần Ntaco tăng mạnh nhất ở mức tăng 2.050%. Từ 200 đồng/cp hồi đầu năm 2021, ATA đang giao dịch ở mức giá 4.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu ATA nhiều phiên không có giao dịch, khối lượng giao dịch thấp.
Cổ phiếu TGG của Công ty cổ phần Louis Capital cũng là cổ phiếu tăng mạnh. Giao dịch ở mức 1.200 đồng/cp hồi đầu năm 2021, đến cuối phiên sáng 30/12, giá cổ phiếu TGG là 20.400 đồng/cp, tăng 1.600%. Tuy nhiên, chốt phiên 30/12 là 19.200 đồng/cp. TGG trước đó còn đạt đỉnh là 74.800 đồng/cp vào ngày 22/9.
Cổ phiếu PTO của Công ty cổ phần Dịch vụ-Xây dựng Công trình Bưu điện trên sàn UpCOM chốt phiên 30/12 là 20.200 đồng/cp, tăng tới 1.162,5%. Trong khi hồi đầu năm, giá mỗi cổ phiếu PTO chỉ là 1.600 đồng/cp.
Cổ phiếu RGC của Công ty cổ phần Đầu tư PV-Inconess giao dịch trên UPCOM. RGC tăng từ 3.200 đồng/cp hồi đầu năm lên 40.100 đồng/cp chốt phiên sáng 30/12. Mức tăng này tương ứng là 1.153%. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp hiện đạt hơn 3.689,7 tỷ đồng.
Tính đến cuối phiên sáng 30/12, cổ phiếu NOS của Công ty cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông có giá 2.400 đồng/cổ phiếu. Đầu năm, cổ phiếu này chỉ là 200 đồng/cp. Sau 1 năm, cổ phiếu NOS đã tăng tới 1.100%.
Cổ phiếu LIC của Tổng Công ty Licogi tăng từ 5.700 đồng/cp lên 62.400 đồng/cp, tương ứng tăng gần 995%. LIC còn từng đạt đỉnh trong phiên giao dịch 30/11 với 146.700 đồng/cp.
Cổ phiếu TNT của Công ty cổ phần Tập đoàn TNT niêm yết trên HOSE, tăng gần 953% trong năm nay. Hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng (trừ dầu mỏ và khí đốt), Khai thác quặng kim loại, vốn hóa thị trường của TNT hiện đạt 956,25 tỷ đồng.
LCM của Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai niêm yết trên HOSE tăng 950%, từ mức 1.000 đồng/cổ phiếu lên 10.500 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, CMS của Công ty cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam hiện giao dịch trên HNX tăng 933% và Cổ phiếu KHB của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hòa Bình giao dịch trên UPCOM cũng tăng gần 889% trong vòng 1 năm qua.
Cát Anh (T/h)