Các chính sách hướng tới Covid Zero của Trung Quốc ngày càng cực đoan đang trở thành lực cản lớn đối với ngành vận tải biển và có thể khiến cuộc khủng hoảng tắc nghẽn chuỗi cung ứng kéo dài trầm trọng toàn cầu.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, giới chức Trung Quốc cấm các thuyền viên thay người, không chỉ vậy, nước này còn áp dụng lệnh cách ly bắt buộc thời hạn 7 tuần đối với thuyền viên nước ngoài. Các tàu chở hàng phải chờ 14 ngày mới được cập cảng.
Đối diện với quy định mới, thuyền trưởng cùng nhân viên quản lý đã phải trì hoãn các chuyến vận chuyển, định hướng lại lịch trình di chuyển của tàu cũng như củng cố lại bộ phận nhân sự. Điều này đã làm tăng thêm gánh nặng lên chuỗi cung ứng vốn đã “mệt mỏi”.
Ông Guy Platten, Tổng thư ký của ICS (International Chamber of Shipping) cho biết: “Các quy định của Trung Quốc đang gây ra sự bất lợi đối với hoạt động cảng biển. Bất kỳ quy định hướng vào hoạt động của tàu đều tác động vào chuỗi cung ứng và gây ra sự gián đoạn đáng sợ”.
* International Chamber of Shipping – ICS: Văn phòng vận tải biển quốc tế.
Trung Quốc là trung tâm giao thương vận tải biển, là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Quốc gia này thực hiện chính sách Covid Zero cùng các biện pháp ngày càng cực đoan. Trong những tuần trước, chính quyền sở tại đã bắt 34.000 người tại Disneyland Thượng Hải để tiến hành kiểm tra bắt buộc. Một trường học ở Bắc Kinh đã giữ trẻ tiểu học qua đêm sau khi một giáo viên cho kết quả dương tính. Ở Trung Quốc, tiếp xúc trong phạm vi 1km được coi là “tiếp xúc gần gũi”.
“Ván bài số phận” dành cho chuỗi cung ứng toàn cầu
6 tháng đầu năm, cước phí vận tải biển tăng vọt, container rơi vào tình trạng “rỗng vỏ” và khan hiếm. Hi vọng về sự vận chuyển toàn cầu diễn ra bình thường cho đến khi biến thể Delta phá vỡ hi vọng cuối cùng của các đơn vị hàng hóa.
Trước tình trạng này, nhiều nhà bán lẻ buộc phải thuê tàu riêng để về hàng đúng thời gian mặc cho chi phí đội giá tăng gấp nhiều lần. Chuỗi cung ứng quá tải, áp lực hàng hóa tăng cao, nhiều tàu cập bến nhưng không tìm được chỗ xếp hàng hóa.
Câu chuyện tắc nghẽn hàng hóa gián đoạn chuỗi cung ứng cần được nhìn nhận nghiêm túc nhất là khi nó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong khi mức sản xuất tăng cao. Hơn nữa phí nguyên vật liệu tăng vọt cũng đang gây áp lực lên lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Trên thế giới, nhà máy, công ty vận tải, người tiêu dùng vẫn đang chiến đấu không ngừng nghỉ trước đại dịch Covid-19. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang có dấu hiệu cải thiện ở Mỹ nhưng đã trở nên tồi tệ hơn ở Anh.
Các nhà quản lý cảng biển đang kêu gọi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế, ưu tiên đối với những lao động trên biển và lao động bốc dỡ hàng hóa. Nếu không, ngành vận tải biển sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng, trong đó có chi phí.
Theo Terence Zhao, Giám đốc điều hành của Singhai Marine Services nhận định: “Điều quan trọng nhất ở các cảng là kiểm dịch. Tùy thuộc vào diễn biến covid tại địa phương, các quy định sẽ thay đổi linh hoạt”. Đáng nói, ngay cả khi những thuyền viên có nhu cầu y tế khẩn cấp cũng không được phép đến Trung Quốc để chữa trị.
Bjorn Hojgaard, Giám đốc điều hành của Anglo-Eastern Univan Group và là chủ tịch Hiệp hội tàu biển Hong Kong cho biết: “Trung Quốc đang làm rất tốt nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, nhưng cái giá phải trả rất lớn khi ngay cả những thuyền viên là người Trung Quốc cũng không thể quay trở lại đất nước”.
Hoạt động kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc đã trở thành thách thức ngay cả đối với các nhà khai thác lớn nhất, bao gồm Cargill Inc.
Ngành công nghiệp hàng hải đã phải gánh chịu “đòn đau” vì chuỗi cung ứng. Nhu cầu hạn chế về nhân lực, các cảng tắc nghẽn kéo dài đã đội giá container cao nhất từ trước đến nay. Ở mức 9.146 USD/container 40 feet, giá cước vận tải tăng mạnh gấp 6 lần so với mức trung bình.
Các chủ tàu cũng “trầm cảm” với các quy định hạn chế của chính quyền khi không cho phép quá 3 thuyền viên trên 1 chuyến cập cảng. Nhiều thuyền viên đã không thể trở về nhà nhiều tháng liền khi rời tàu. Anglo-Eastern cho biết tính đến tuần này, 555/16.000 thủy thủ đoàn đã quá hạn được trợ cấp, gần 60 người lênh đênh cùng tàu hơn 11 tháng, dù cố gắng để thay đổi nhưng dường như là điều không thể.
Chính quyền Trung Quốc nêu rõ quan điểm sẽ không có sự nới lỏng nào trong các quy tắc. Trong khi đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng của ngành không có dấu hiệu giảm bớt. Trong 1 cuộc khảo sát với 148 công ty, có gần 80% trong số đó không có niềm tin vào sự cải thiện, họ nói rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ còn tệ đi rất nhiều.
Zoe Nguyen (Nguồn Bloomberg)