Chuyển đổi số sẽ là vấn đề được tập trung bàn luận tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 – ITU Digital World 2021, sự kiện toàn cầu Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) được Việt Nam đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra từ ngày 12 đến 14/10.
Các bộ trưởng cùng bàn “chuyển đổi số”
Theo dữ liệu của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, hơn 90% dân số thành thị và 70% dân số nông thôn trên toàn cầu đã được phủ sóng 4G, vệ tinh hoặc các công nghệ khác từ năm 2020. Tuy nhiên, chỉ 51% dân số thế giới sử dụng Internet. Rào cản của việc phổ biến Internet nằm ở khả năng chi trả, năng lực công nghệ số, nhận thức của cộng đồng và sự tồn tại của nội dung bằng ngôn ngữ địa phương.
Bài toán đặt ra cho các chính phủ là cần giải quyết các rào cản này, đặc biệt là vấn đề chi phí cho người dân kết nối Internet. Đây cũng là điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số trong tương lai.
Chuyển đổi số sẽ được thảo luận từ những góc nhìn cụ thể nhất. Những vấn đề về cắt giảm chi phí mạng truy nhập, đẩy mạnh phát triển hạ tầng và số hoá cuộc sống thường nhật sẽ được chính phủ, lãnh đạo công nghệ tại các quốc gia thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng – một trong những nội dung quan trọng của ITU Digital World 2021. Năm nay, chủ đề chung của hội nghị là “Cùng xây dựng thế giới số” và sẽ diễn ra trực tuyến.
Hội nghị Bộ trưởng của ITU diễn ra từ ngày 12/10 – 14/10/2021 theo hình thức trực tuyến, trên nền tảng số do Việt Nam nghiên cứu và xây dựng với sự tham gia của các bộ trưởng trên khắp thế giới theo các chủ đề: Cắt giảm chi phí mạng truy nhập nhằm tăng tốc chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng: vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số; Số hóa cuộc sống thường nhật: các dịch vụ công và nội dung định hướng chuyển đổi số.
Hội nghị bàn tròn này đặt ra vấn đề lớn như làm thế nào các chính phủ có thể giải quyết về khả năng chi trả? Các doanh nghiệp có sản xuất đủ thiết bị giá cả phải chăng cho phép người dân kết nối và sử dụng Internet không? Làm thế nào chính phủ có thể phối hợp với các nhà sản xuất nhằm khuyến khích kế hoạch giảm giá hoặc tăng khả năng sẵn có của thiết bị giá rẻ?
Chính phủ có nên hỗ trợ truy cập hoặc thậm chí cung cấp kết nối miễn phí cho tất cả mọi người? Vai trò của vấn đề tái chế hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng như thế nào?…
Ngoài ra, các Bộ trưởng sẽ thảo luận về nội dung bàn tròn “Thúc đẩy phát triển hạ tầng: Nghĩ lại về vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số”. Hiện nay, phần lớn thế giới đã có sẵn cơ sở hạ tầng băng thông rộng cho phép chuyển đổi số, nhưng sự tồn tại của mạng, tốc độ và hiện trạng triển khai có sự khác nhau đáng kể trong mỗi quốc gia, giữa các quốc gia và khu vực.
Khi số lượng người dùng và thiết bị, việc sử dụng dữ liệu cũng như kỳ vọng về tốc độ, chất lượng tiếp tục tăng nhanh, các mạng hiện tại cần được cập nhật hoặc thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng tốc và tối ưu hóa quá trình triển khai hạ tầng băng rộng một cách tốt nhất? Những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất và nghiên cứu điển hình thành công khác nhau như thế nào giữa các nước phát triển và đang phát triển?
Khi mạng đường trục cần thiết đã có sẵn thì rào cản để tiếp cận người dùng cuối là gì? Vai trò của chia sẻ cơ sở hạ tầng, cả trong lĩnh vực viễn thông và với các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích là gì? Làm thế nào cho các cơ quan quản lý và Chính phủ có thể phối hợp với khu vực tư nhân để khuyến khích hợp tác, tạo ra sân chơi bình đẳng về công nghệ và mở rộng thị trường?
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, tại ITU Digital World 2021, Việt Nam mang vấn đề chuyển đổi số của mình ra thế giới cho các Bộ trưởng về ICT bàn luận vấn đề này, làm thế nào để ICT thúc đẩy chuyển đổi số.
Tại sự kiện, Việt Nam cũng đem những vấn đề vướng mắc trong chuyển đổi số ra hội nghị bàn tròn để các bộ trưởng, các chuyên gia và doanh nghiệp ICT chia sẻ sáng kiến, đề xuất ý tưởng giải quyết những vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi số. Như vậy, Việt Nam sẽ có được tri thức, kinh nghiệm của thế giới để giải các bài toán của chính mình.
200 nhà trưng bày trực tuyến 2D và 3D
Đây là năm thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), sau sự kiện lần đầu năm 2020. Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 – ITU Digital World 2021 tiếp tục được tổ chức trực tuyến, trên nền tảng số do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và xây dựng.
Song song với Hội nghị Bộ trưởng là Triển lãm Thế giới số 2021. Các gian hàng xuất hiện dưới dạng 2D hoặc 3D trên Internet để người dùng khắp thế giới có thể tham quan.
Tại đây, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giải pháp và dịch vụ mới, cũng như các sáng kiến về công nghệ thông tin. Dự kiến có khoảng 200 nhà trưng bày từ hơn 40 nước tham gia triển lãm lần này. Các gian hàng sẽ được duy trì trong một tháng, từ 12/10 đến 12/11.
ITU Digital World, tiền thân là Triển lãm Viễn thông Thế giới – ITU Telecom World, là sự kiện toàn cầu thường niên của ITU, được tổ chức lần đầu năm 1971 tại Geneva Năm 2020, sự kiện được đổi tên theo sáng kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Việt Nam là nước đầu tiên tổ chức ITU Digital World dưới hình thức trực tuyến, áp dụng công nghệ thực tế ảo vào các gian hàng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sự kiện năm 2020 có sự tham gia của các cá nhân và tổ chức từ 149 nước, đã góp phần củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và chứng tỏ tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam.
Việc tổ chức sự kiện của ITU năm nay cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và đối tác từ 193 nước thành viên của liên minh.