Đóng cửa kín mít khi bật điều hòa, hành động tưởng chừng đúng nhưng chưa thực sự hợp lý. Cùng nghe chuyên gia điện lạnh mách cách sử dụng điều hòa hiệu quả nhất.
Những ngày nắng nóng cực điểm, điều hòa trở thành vật “bất ly thân” của mỗi gia đình. Nhưng câu chuyện không hề đơn giản khi giá điện vừa được điều chỉnh tăng cao. Các gia đình đều tìm cách “hạ nhiệt” số điện với những mách nước về cách sử dụng điều hòa.
Vậy, sử dụng điều hòa như thế nào sẽ hiệu quả?
Đóng cửa kín mít khi bật điều hòa – đây là cách hầu hết các gia đình đều áp dụng để ngăn chặn hơi lạnh thất thoát. Nhưng tin được không, cách làm này được cho là chưa thật sự hợp lý.
Dù ý kiến này là quan điểm của rất nhiều người nhưng vẫn không ít cá nhân cho rằng, cách làm này khiến cho căn phòng trở nên ngột ngạt. Mọi người sẽ bí bách, thiếu oxy. Nói cách khác, nó có thể giúp giảm số điện nhưng không tốt cho sức khỏe.
Chuyên gia nói gì về việc đóng kín cửa khi sử dụng điều hòa?
GS. TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam thông tin, có thể tiết kiệm điện năng khi đóng cửa bật điều hòa. Tuy nhiên, việc đóng kín cửa trong một thời gian dài là điều không nên.
Theo ông, cơ chế của điều hòa là lấy gió tươi với mức trung bình là 20m3/h/người. Vì là gió nóng lấy từ ngoài trời nên điều hòa phải tốn hơi lạnh để làm lạnh nó.
Do đó, nếu phòng có hệ thống cấp gió tươi giống các tòa nhà công sở, trung tâm thương mại, bệnh viện thì cần đóng kín cửa để tiết kiệm điện năng. Nhưng hầu hết nhà dân sẽ không có hệ thống gió tươi, việc lấy gió bằng cách để hé cửa sổ hoặc cửa ra vào là điều nên cân nhắc. Một cách khác các gia đình có thể cân nhắc là bố trí quạt gắn tường có lưu lượng phù hợp.
Lời khuyên của GS Nguyễn Đức Lợi là nên mở điều hòa trong khoảng 3-4h sau đó để máy nghỉ, cho thông gió phòng, sau đó tiếp tục cho máy chạy là giải pháp tốt nhất.
Những bí kíp giúp điều hòa vận hành tốt, tiết kiệm điện
Ngoài ra, GS Nguyễn Đức Lợi cũng lưu ý một vài vấn đề để một chiếc máy điều hòa có thể vận hành tốt, đồng thời tiết kiệm điện năng như:
– Tính toán thiết kế chuẩn: Đủ tải lạnh.
– Chọn máy chuẩn: Nên chọn mua máy chính hãng, thương hiệu nguồn gốc rõ ràng và có biến tần. Việc mua điều hòa cũ có thể rẻ hơn nhưng về lâu dài, nó có thể ngốn không ít điện năng khi sử dụng
– Lắp đặt chuẩn chỉnh: Hãy để thợ có tay nghề, có đạo đức nghề nghiệp lắp đặt điều hòa cho nhà bạn. Quá trình lắp đặt sử dụng vật tư chính hãng, đúng chủng loại. Đường ống gas dùng là ngắn nhất, chênh lệch độ cao nhỏ nhất.
Phải yêu cầu thợ lắp đặt thực hiện hút chân không, nạp dầu, nạp gas chuẩn, không có không khí ngưng, chọn vị trí lắp chuẩn, che nắng hợp lý cho dàn nóng và cửa sổ.
Nếu nhà có cửa sổ, đặc biệt là những cửa ở hướng Đông, Tây, nên sắm thêm chiếc rèm che nắng bên trong, có thêm rèm bên ngoài càng tốt.
Lắp dàn nóng đúng vị trí: Vị trí lắp dàn nóng nên được đặt ở nơi thông thoáng, không bị gió quẩn, không bị nắng nóng, bụi bẩn, lấy được gió ngoài trời để làm mát dàn ngưng. Dàn nóng cần được đặt ở vị trí vững chắc, gần dàn lạnh để dễ dàng bảo dưỡng và sửa chữa.
Vị trí lắp dàn lạnh đặt đúng: Đảm bảo nó được lắp ở nơi có khả năng tỏa đều lạnh nhất, không bị vướng. Nó cũng cần được đặt gần dàn nóng nhất với chiều dài đường ống gas từ 3-5m, xả nước ngưng dễ dàng.
Chú trọng Bảo dưỡng, sửa chữa máy: Hoạt động của điều hòa sẽ bị ảnh hưởng nếu máy bị bẩn, quá nhiều bụi. Vậy nên cần vệ sinh điều hòa định kỳ, kịp thời khắc phục những hỏng hóc.
Chuyên gia này chia sẻ thêm, điều hòa thường được bật suốt ngày đêm vào mùa hè. Điều hòa cơ (loại không biến tần) có thể bị quá tải và ngừng hoạt động để tự bảo vệ khi trời nắng nóng quá gay gắt.
Máy biến tần có thể vẫn hoạt động trong điều kiện nắng gay gắt nhưng tốc độ máy nén giảm, năng suất lạnh giảm, không đảm bảo nhiệt độ cài đặt trong nhà. Điều đó cũng dễ hiểu bởi máy tự điều chỉnh để bảo vệ.
Nhìn chung, máy điều hòa đều có giới hạn nhiệt độ ngoài nhà với giới hạn cho phép từ 38 độ C đến 53 độ C. Các gia đình khi mua máy nên chọn máy có nhiệt độ ngoài nhà phù hợp với khí hậu địa phương.