Trở lại Việt Nam sau nhiều năm sinh sống và công tác tại nước ngoài, PGS TS. Quách Mạnh Hào chia sẻ những câu chuyện đầy thú vị xoay quanh thị trường chứng khoán qua chương trình “Bia hơi vỉa hè cùng Quất Mạnh Vào”.
Có mối liên hệ thú vị nào giữa bia hơi, Quất Mạnh Vào và chứng khoán?
Chứng khoán là lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi nhiều kiến thức. Tuy nhiên, việc diễn giải những kiến thức đó theo cách đơn giản, để người ít kiến thức có thể hiểu được mới là điều quan trọng.
Với nhà đầu tư cá nhân không chuyên, việc hiểu sâu các kiến thức kinh tế, tài chính, đầu tư vốn đã khó khăn, cách truyền đạt nếu cũng hàn lâm sẽ là rào cản lớn với người mới tham gia chứng khoán. Khi đi dạy có các thuật ngữ chuyên ngành, tôi cũng vẫn phải giảng giải cho sinh viên một cách dễ hiểu nhất có thể. Vì thế, tôi muốn sử dụng ngôn ngữ bình dân như cách chúng ta vẫn thường lai ra bên cốc bia.
Bản thân tôi cũng thích và nhớ bia hơi Hà nội. Thông qua hình ảnh bia hơi, tôi muốn mọi người nhìn nhận chứng khoán cũng bình dân như thói quen hàng ngày. Đừng phức tạp hóa, đừng làm cho chứng khoán trở nên quá cao siêu với những từ ngữ chuyên ngành quá hàn lâm.
Còn “Quất Mạnh Vào” là biệt danh thị trường ưu ái dành cho tôi và “nick name” vui như vậy có thể tạo cảm giác gần gũi hơn danh xưng PGS. TS Quách Mạnh Hào. Tóm lại, thông điệp mà tôi muốn truyền tải qua cái tên của chương trình là “chúng ta cùng uống bia, lai rai chuyện chứng khoán theo cách đơn giản nhất có thể”.
Những người tham gia phản hồi thế nào về chương trình?
Với “Bia hơi vỉa hè cùng Quất Mạnh Vào, điều thú vị nhất chính là tôi có thể nói chuyện với mọi người một cách bình dân thay vì xuất hiện trên tivi, tại hội thảo hay các bài báo. Mọi người tham gia có thể nhìn thấy tôi trực diện qua màn hình, ngồi trong vườn, bên cốc bia, nói chuyện như bạn bè. Những phản hồi như “anh thật gần gũi” hay “thầy Hào vui tính quá” làm tôi rất vui.
Chương trình còn mới và có lẽ vẫn là quá sớm để nghĩ đến những thay đổi nhưng sau này, ngoài chứng khoán, tôi còn muốn trao đổi về các vấn đề kinh tế, quản trị tài chính cho những doanh nghiệp nhỏ, những người làm chủ tự phát mà chưa có nhiều kiến thức về quản trị.
Tôi mong sẽ giúp họ một cách vô tư qua những chương trình trao đổi bởi tôi tin rằng tự học sẽ rất mất thời gian còn nếu đi học ở đâu đó sẽ tốn kha khá tiền. Tôi muốn thực hiện bằng hình thức bình dân và sẽ cố gắng phổ cập các kiến thức tài chính, đầu tư, quản trị doanh nghiệp cho mọi người về lĩnh vực mà họ quan tâm.
Từ một giảng viên, làm công ty chứng khoán, rồi quay lại làm giảng viên nhưng ở Anh, rồi lại mở một chương trình trò chuyện về chứng khoán. Phải chăng có một mối lương duyên khó tách rời giữa anh và chứng khoán?
Chứng khoán với tôi là cái nghiệp. Tôi học về đầu tư tài chính, chứng khoán, đến khi đi dạy học cũng dạy về đầu tư tài chính chứng khoán. Tôi từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực chứng khoán và xuyên suốt cho đến bây giờ tôi vẫn là một nhà đầu tư. Càng nhiều kinh nghiệm hơn, tôi càng nhận thấy chứng khoán thú vị.
Chứng khoán không chỉ là kiến thức, là kinh nghiệm, mà còn là hành vi tâm lý con người trong những giai đoạn khác nhau. Phán đoán tâm lý thị trường cũng thú vị như chơi cờ. Tôi thích các trò chơi chiến lược nên tôi thích chứng khoán và thực tế chứng khoán cũng giúp ích cho nghề nghiệp của tôi.
Trở lại với chứng khoán Việt Nam qua các chương trình như “Bia hơi vỉa hè với Quất Mạnh Vào”, rồi lập nhóm đầu tư, tham gia tư vấn… anh có ý định quay về Việt Nam không?
Không, cuộc sống của tôi gắn liền với nước Anh rồi. Thực ra, tôi đến nước Anh từ khi còn trẻ và trong hơn 20 năm qua, tôi chỉ ở Việt nam 5 năm. Khoảng thời gian đó cũng chính là lúc cái tên Quất Mạnh Vào xuất hiện trên thị trường chứng khoán.
Tôi không nghĩ rằng kiếm nhiều tiền hơn thì cuộc sống của tôi sẽ tốt hơn. Tôi lựa chọn cuộc sống êm ả, bình thường nhưng tôi sẽ luôn quan tâm tới chứng khoán và sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt nam ra nước ngoài, vì tôi nợ Việt nam tuổi trẻ của mình.
Dưới góc độ của một người từng thực chiến ở cả 2 thị trường, đầu tư chứng khoán tại Anh có gì khác biệt so với Việt Nam?
Đầu tư tại Anh cũng không khác gì nhiều so với Việt Nam, ngoài việc mua bán có thể thực hiện ngay mà không bị vướng T+3. Tôi đang điều hành Quỹ đầu tư sinh viên Lincoln (LSMIF) chuyên đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết tại sàn London. Danh mục của quỹ hiện có khoảng 12 cổ phiếu, trong các lĩnh vực dịch vụ thương mại, máy móc thiết bị, bảo hiểm, ngân hàng đầu tư, phần mềm và thiết bị điện tử, vận chuyển dân dụng.
Tuy nhiên, vì mục tiêu của quỹ đầu tư sinh viên là “học thực tiễn” trước rồi mới đến lợi nhuận, chúng tôi không thực hiện giao dịch trading hàng ngày mà nắm giữ và có điều chỉnh rebalancing theo chu kỳ. Nói đơn giản, chúng tôi thực hiện theo cách chuẩn mực mà một quỹ đầu tư thường làm, chứ không phải cá nhân.
Câu lạc bộ Đầu tư theo nhóm QMV có gì khác so với các quỹ đầu tư sinh viên mà anh điều hành tại nước ngoài?
CLB Đầu tư theo nhóm QMV là một hình thức khác với quỹ đầu tư sinh viên. Quỹ đầu tư sinh viên là một Quỹ đầu tư thực thụ, trong đó sinh viên là những người vận hành, ra quyết định và quản lý. Tôi giúp họ kiến thức và đóng góp chiến lược dựa trên những đề xuất của họ và hạn chế sự can thiệp hành chính.
Ở Anh, tôi cũng có xây dựng CLB Đầu tư, nơi mà những người có cùng sở thích đầu tư, tham gia sinh hoạt chuyên môn, trao đổi kiến thức, lựa chọn cổ phiếu, góp tiền và quyết định đầu tư cùng nhau. Nói cách khác, đó là một dạng đầu tư tập thể, trong đó các nhà đầu tư cũng chính là những người vận hành và ra quyết định đầu tư chung.
CLB Đầu tư theo nhóm QMV tại Việt nam là một dạng tôi học theo hình thức CLB Đầu tư ở Anh nhưng có điểm khác biệt là tôi thực hiện thêm các khóa đào tạo căn bản về đầu tư, từ phân tích chính sách và chu kỳ kinh tế, chu kỳ ngành, định giá cổ phiếu đến phân tích kỹ thuật, dòng tiền và tâm lý hành vi. Trên cơ sở đó, các thành viên tự ra quyết định đầu tư cho mình, chứ không đầu tư chung.
Thông qua hình thức CLB như vậy, tôi hy vọng nhà đầu tư sẽ được trang bị kiến thức một cách bài bản, từ đó có thể ra quyết định cho chính mình. Khi chưa thực sự tự tin, nhà đầu tư có thể trao đổi trực tiếp với tôi và các thành viên kinh nghiệm khác hàng ngày.
Tham gia và quan sát TTCK Việt Nam nhiều năm, anh thấy việc các dự báo của chuyên gia tác động như thế nào đến nhà đầu tư?
Nếu dự báo chứng khoán là dễ dàng thì chứng khoán không còn hấp dẫn nữa. Thực tế, không ai có thể phán đoán chính xác thị trường sẽ đi như thế nào và chuyên gia cũng chỉ có thể đưa ra khả năng có thể xảy ra theo xác suất. Thế nhưng, nhà đầu tư lại thường bỏ qua yếu tố xác suất và chỉ để ý kết luận của họ.
Những chuyên gia nghiêm túc sẽ luôn nhấn mạnh các yếu tố điều kiện như việc lên kịch bản cho các trường hợp có thể xảy ra. Tôi cho rằng những chuyên gia đưa ra nhận định một cách quả quyết thường là quá chủ quan hoặc quá tự tin vào khả năng của mình. Trong tâm lý hành vi, đây được gọi là nhận thức muộn (hindsight), nghĩa là con người thường tin rằng mình đã dự báo đúng sau khi có kết quả.
Nếu hiểu được điều này, nhà đầu tư sẽ tập trung hơn vào lập luận của các chuyên gia thay vì chỉ nhìn vào dự báo của họ. Việc đúng và sai thực ra cũng gần giống tung xúc sắc, sự khác biệt chỉ là phán đoán bừa hay phán đoán có lập luận. Nếu tin rằng ai đó có thể dự báo, nhà đầu tư sẽ dễ dàng bị mê hoặc bởi những thông tin vô lý và dẫn đến chủ quan, thiếu cân nhắc. Khi đó là lúc họ bắt đầu mất tiền nhiều.
Làn sóng nhà đầu tư mới (F0) có phải lý do khiến chứng khoán Việt Nam tăng/giảm đều thuộc loại nhất thế giới?
Nhà đầu tư mới (F0) đã giúp cho chứng khoán được quan tâm trở lại và trở thành một hiện tượng. Sự xuất hiện ồ ạt của nhà đầu tư F0 cho thấy nhu cầu đầu tư kiếm lời là rất lớn. Mặt khác, điều này cũng có thể tạo ra một sự sợ hãi làm nhiều người không dám bén mảng tới chứng khoán nữa.
Về cơ bản, chứng khoán tăng/giảm chủ yếu là do bơm tiền còn từng cổ phiếu tăng/giảm là do có sự tác động của tạo lập hay gọi theo cách bình dân là lái. Tôi luôn cho rằng giá cổ phiếu được quyết định bởi 3 yếu tố là nguồn tiền, định giá doanh nghiệp và tâm lý nhà đầu tư.
Định giá doanh nghiệp sẽ được tính toán dựa trên số liệu kế toán cộng thêm triển vọng hay nói một cách dân dã là “bánh vẽ”. Số liệu kế toán sẽ bao gồm một phần thực tế kèm theo sai số và cả ý chí của tạo lập “muốn thế nào”.
Về mặt tâm lý, với đặc thù tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân rất lớn, tác động của yếu tố tâm lý lên thị trường sẽ rất mạnh. Trong khi đó, tâm lý đám đông lại thường dễ bị chi phối bởi bánh vẽ được dẵn dắt bởi tạo lập. Vì thế, tâm lý bao giờ cũng đi sau thị trường và đó là lý do người ta hay nói “lên trong nghi ngờ” và “xuống trong sự lạc quan”.
Nếu chia sẻ lời khuyên với nhà đầu tư ở giai đoạn này, anh sẽ nói gì?
Định giá thị trường ở thời điểm này được đánh giá “rẻ” nếu xét về triển vọng dài hạn thế nhưng dài hạn thực ra chỉ là lời nói dối ngọt ngào vì chúng ta không biết bao lâu là dài hạn. Trước khi đợi được đến lúc dài hạn có thể nhà đầu tư đã chịu không nổi sự mệt mỏi khi giá cổ phiếu giảm, chưa kể áp lực nếu dùng tiền đi vay.
Chứng khoán khác hàng hóa tiêu dùng ở chỗ định giá “rẻ” không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ mua ngay. Tôi cho rằng yếu tố nguồn tiền và tâm lý chưa tích cực ở thời điểm này và vì thế nhà đầu tư nên cân nhắc mua bán nhanh theo sóng ngắn thay vì cứ “quất mạnh vào” để phải gồng lỗ thời gian dài.
Theo tôi, dòng tiền sẽ tìm tới nhóm cổ phiếu an toàn thời gian tới, đồng thời nhóm cổ phiếu đầu cơ “đánh đấm” dù vẫn còn nhưng số lượng sẽ dần dần ít đi. Khi nào thị trường được dẫn dắt chủ yếu bởi Bluechips chất lượng, lúc đó định giá mới thực sự hấp dẫn.