Nếu biết cách xử lý khi chuyển tiền nhầm số tài khoản, có thể bạn sẽ cứu vớt mình khỏi những thiệt hại nặng nề.
Những tình huống phải đối mặt khi chuyển tiền nhầm số tài khoản
Tình trạng chuyển tiền nhầm số tài khoản không phải là việc xa lạ khi sử dụng internet banking. Tuy nhiên, nếu rơi vào tình huống đó, bạn hãy bình tĩnh xử lý và làm ngay những bước dưới đây theo lời khuyên của giới thạo tài chính nhé.
Bước 1: Bạn sẽ cần phải thông báo ngay cho ngân hàng
Hành động thông báo ngay cho ngân hàng nhằm tra soát giao dịch. Trường hợp xác minh được giao dịch là nhầm lẫn, phía ngân hàng sẽ liên hệ với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản bạn đã chuyển tiền nhầm để yêu cầu họ chuyển hoàn lại. Tuy nhiên, việc tra soát giao dịch thông thường sẽ mất từ 30-45 ngày.
Bước 2: Tiếp tục gửi thêm các khoản tiền nhỏ tới số tài khoản bạn chuyển nhầm
Có lẽ không nhiều người biết đếp tips này, tuy nhiên, đây là một trong những mẹo khá hay để bạn có thể liên lạc được với người đã nhận được số tiền bạn chuyển nhầm. Hãy nhớ những lần chuyển khoản thêm, trong nội dung chuyển khoản bạn hãy cho họ biết mình là người gửi nhầm tiền kèm với số tài khoản để họ liên lạc lại.
Nếu gặp được người tử tế, chắc chắn bạn có thể sẽ giải quyết được sự việc một cách đơn giản hơn. Trường hợp người nhận được tiền chủ động liên hệ lại với bạn và 2 bên tự giải quyết thì đừng quên báo lại với phía ngân hàng. Còn trường hợp người nhận được tiền không liên hệ lại, bạn đành phải chờ đợi ngân hàng tra soát giao dịch.
Bước 3: 2 tình huống xảy ra sau thời gian tra soát
Tình huống 1: Tiền sẽ tự động được hoàn lại vào tài khoản của người chuyển nhầm nếu như tài khoản thụ hưởng được chuyển nhầm vẫn còn đủ số dư khả dụng. Nhưng nếu người nhận được chuyển nhầm đã rút hết tiền, cố ý không muốn hoàn trả/không có khả năng hoàn trả… phía ngân hàng sẽ liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan như công an, tòa án… để giải quyết, thu hồi lại số tiền.
Tình huống 2: Nếu phía ngân hàng không thể liên hệ được với người nhận được tiền chuyển nhầm thông qua số điện thoại, nếu có địa chỉ hoặc thông báo qua tài khoản internet banking của người nhận nhầm, người chuyển tiền có thể yêu cầu ngân hàng liên hệ qua đó.
Người nhận nếu cố ý không hoàn trả/không còn khả năng hoàn trả, người chuyển nhầm có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân của người nhận để thực hiện khởi kiện để đòi lại tiền hoặc làm đơn tố giác tội phạm gửi tới cơ quan công an, yêu cầu điều tra.
Cần làm gì nếu tự nhiên nhận được khoản tiền lạ?
Hầu hết trường hợp tự dưng nhận được khoản tiền lạ liên quan đến việc chuyển tiền nhầm số tài khoản. Trong tình huống này, bạn tuyệt đối không sử dụng chúng để chi tiêu cá nhân, cũng tuyệt đối không chuyển khoản lại cho người lạ nếu không xác minh được và có sự làm chứng của bên thứ 3. Thay vào đó, bạn hãy liên hệ với ngân hàng để việc trả lại tiền đúng và thuận lợi nhất.
Chủ động thông báo với ngân hàng về việc nhận tiền chuyển nhầm để làm việc hoặc đợi đại diện phía ngân hàng liên hệ làm việc. Khi ngân hàng gọi điện, hãy kiểm tra tính chính xác của số điện thoại đó. Tốt nhất, bạn hãy đến trực tiếp ngân hàng để làm việc.
Nếu khoản tiền chuyển khoản nhầm có giá trị nhỏ, bạn có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê, đối chiếu với những thông tin nhận được sau đó chuyển khoản lại.
Nếu bạn nhận được tiền chuyển khoản nhầm lớn, hãy sắp xếp thời gian đến ngân hàng để xác minh. Thậm chí, bạn cũng có thể liên hệ với cơ quan công an để giải quyết. Bởi không ít tình huống lừa cho vay cũng dàn cảnh tương tự. Chúng chuyển tiền cho bạn, sau đó sẽ nói rằng bạn vay và đợi một thời gian sẽ đến để đòi “cả gốc lẫn lãi”.
Cố ý không hoàn tiền chuyển nhầm bị xử lý ra sao?
Không ít trường hợp người nhận được tiền chuyển khoản nhầm cố ý không hoàn trả hoặc không có khả năng hoàn trả. Thế nhưng, nếu có hành vi như vậy, người này có dấu hiệu của hành vi “chiếm đoạt tài sản trái phép”.
Với hành vi này, người đó sẽ bị xem xét xử phạt hành chính theo điều 15 (vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác), nghị định số 144/2021/NĐ-CP hoặc áp dụng biện pháp hình sự về tội “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”, theo điều 176 Bộ luật hình sự 2015.
Về xử phạt hành chính, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trường hợp sử dụng hết số tiền người khác chuyển nhầm, người này sẽ bị xem xét thêm tội Sử dụng trái phép tài sản của người khác được quy định tại điều 177 Bộ luật hình sự 2015.