Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian gần đây, cơ quan này nhận được kiến nghị của một số cơ quan đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón trong bối cảnh giá cả mặt hàng phân bón tăng cao.
Do đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.
Còn riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.
Đồng thời, do mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón được quy định cụ thể tại Biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản được sử dụng như hiện hành, Bộ Tài chính trình Chính phủ bãi bỏ khoản 4 Điều 4 Nghị định số 122.
Hàng triệu tấn phân bón xuất khẩu bị ảnh hưởng nếu áp thuế xuất khẩu 5%
Tính đến nay, tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất sản xuất phân bón vô cơ là 25,2 triệu tấn/năm, sản xuất phân bón hữu cơ là 4 triệu tấn/năm.
Năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn phân bón, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về kim ngạch và tăng 27,8% về giá so với năm 2020. Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2 triệu tấn.
Về xuất khẩu, năm 2021, Việt Nam cũng đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn phân bón, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch và giá tăng 41,2% so với năm 2020. Campuchia là thị trường tiêu thụ phân bón của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Thời gian gần đây, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh do tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Nga là nước xuất khẩu 7 triệu tấn ure năm 2021, chiếm 18% lượng cung của toàn cầu. Điều này khiến giá phân bón tăng vọt, xuất khẩu cũng tăng đột biến theo. Giá phân bón trên thế giới lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Dự báo, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng 20 – 40% trong quý 2/2022.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu phân bón trong 3 tháng đầu năm 2022 lên tới 291 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước… còn thống kê của Tổng cục Hải quan, quý 1/2022 lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 474.268 tấn, tăng 42,2% so với cùng kỳ, thu về 306,97 triệu USD, tăng 198,5%.
Nguồn Tổng cục Hải quan
Doanh nghiệp phân bón trên sàn xuất khẩu lớn có thể bị ảnh hưởng
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu thực hiện phương án như đề xuất sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng sẽ giảm bớt thủ tục hành chính do việc doanh nghiệp và cơ quan hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất về thuế xuất khẩu với các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đưa ra quan điểm, thực hiện theo phương án này sẽ góp phần tăng thu ngân sách từ phân bón xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp trên sàn có kết quả kinh doanh đột biến từ việc giá phân bón tăng cao cùng lượng xuất khẩu tăng mạnh. Song, nếu quyết định áp thuế được thông qua, các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Là một nhà xuất khẩu phân bón lớn bậc nhất, quý 1/2022, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) cho biết, doanh thu công ty đạt 4.074 tỷ đồng, cao gấp 2 lần cùng kỳ, trong đó riêng doanh thu bán ure là 3.769 tỷ đồng, chiếm 88% trong cơ cấu tổng doanh thu, mức tăng trưởng cao của mặt hàng này chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu với 2.195 tỷ đồng – cao gấp 5,5 lần quý 1/2021.
Công ty cho biết, trong bối cảnh giá phân bón đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nên công ty tranh thủ xuất khẩu để đạt lợi nhuận tốt. Công ty ước xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn ure sang các trường tiềm năng của châu Á, châu Mỹ.
DCM có doanh thu xuất khẩu phân bón rất lớn trong quý 1
Trúng thầu xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn ure trong quý 1/2022 với giá bán cao ngất ngưởng, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM) đạt doanh thu 5.829 tỷ đồng, tăng 200% so với vùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của DPM lên tới 48,4%. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 2.126 tỷ đồng – gấp 12 lần so với số lãi 179 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1/2021. Như vậy, chỉ sau quý 1/2022, Đạm Phú Mỹ thực hiện gần 53% mục tiêu doanh thu và vượt 125% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Năm 2022, mặc dù DPM chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 50.000 tấn giảm 16,7% so với năm trước nhưng ngay nửa đầu tháng 1, công ty đã trúng thầu xuất khẩu hơn 100.000 tấn.
Công ty cổ phần DAP Vinachem (mã: DDV) cũng tăng mạnh doanh thu xuất khẩu gấp 2 lần lên tới 559 tỷ đồng trong quý 1/2022 trong khi doanh thu nội địa giảm hơn 60 tỷ về 304 tỷ đồng. Nhờ vậy quý 1, công ty đạt doanh số 863 tỷ đồng, tăng 37% và lợi nhuận sau thuế 136 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ đạt 602.750 tấn. Công ty duy trì và phát triển vững chắc các thị trường chiến lược, thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước đặc biệt là Campuchia và Lào cùng một số nước trong khu vực.