Sau đà phục hồi thần tốc, thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch 6/12 không mấy tích cực với sắc đỏ áp đảo trên diện rộng. VN-Index giảm gần 45 điểm (-4,11%), đóng cửa thấp nhất phiên cùng hàng loạt nhóm cổ phiếu giảm sâu.
Đáng chú ý nhất phải kể tới nhóm bất động sản. Sắc đỏ, thậm chí là “xanh lơ” tràn ngập trên nhiều cổ phiếu. Đồng loạt CEO, DIG, DXG, CII, HQC, NBB, LDG, IDJ, LCG, CX8, NHA, HTN,… giảm hết biên độ. Bộ đôi rổ VN30 là NVL và PDR cũng nằm sàn “trắng bên mua”, thậm chí cổ phiếu HPX còn xuyên thủng đáy xuống mức giá thấp chưa từng có trong lịch sử niêm yết.
Điển hình như mã NVL của Novaland mở đầu phiên đã lập tức giảm mạnh rồi tiếp tục giảm sâu xuống mức giá sàn. Hơn 11 triệu cổ phiếu chất bán giá sàn nhưng không thể khớp vào thời điểm kết phiên, đánh dấu phiên giảm sàn thứ 2 trong tuần của mã bất động sản này. Thanh khoản ở mức cao với hơn 52 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Như vậy, NVL rơi tự do 17 phiên sàn, sau đó “tạm nghỉ” và phục hồi trong 1 tuần rồi lại quay đầu giảm hết biên độ vào 2 phiên gần nhất. Thị giá vừa lấy lại hơn 16% từ đáy đã lại đánh rơi hơn 14% giá trị. Nếu so với hồi đầu năm 2022 thì sau hơn 11 tháng, cổ phiếu NVL giảm hơn 77% giá trị.
Không thoát khỏi cảnh “nằm sàn”, HPX của Đầu tư Hải Phát cũng giảm hết biên độ xuống chỉ còn vỏn vẹn 7.850 đồng/cổ phiếu, gần 17 triệu cổ phiếu chất sàn không có người mua. Đây là mức giá thấp nhất trong lịch sử lên sàn của mã cổ phiếu Hải Phát. So với vùng đỉnh cũ hồi tháng 11/2021, cổ phiếu HPX đã giảm hơn 80% giá trị.
Niềm vui “ngắn chẳng tày gang”
PDR (Phát Đạt) cũng giảm hết biên độ trong phiên 6/12 xuống 15.500 đồng/cp, đánh dấu phiên giảm giá đầu tiên sau 5 phiên liền trước tăng kịch trần của cổ phiếu bất động sản này. Đặc biệt, mới trong sáng 6/12, Phát Đạt đã công bố văn bản giải trình cổ phiếu tăng trần liên tiếp 5 phiên từ 29/11 đến 5/12 với lý do “thị trường quyết định”. Tuy nhiên, niềm vui chưa lâu thì ngay lập tức cổ đông PDR đã phải “ngậm ngùi” nhận ngay 1 phiên giảm sàn, dư bán giá sàn gần 2 triệu đơn vị khi kết phiên.
Tương tự, không ít doanh nghiệp vừa công bố giải trình cổ phiếu tăng trần liên tục, nhưng thị giá sau đó lại nhanh chóng quay đầu giảm sàn. Có thể kể tới như DXG của Đất Xanh cũng giảm kịch sàn trong phiên 6/12 xuống còn 14.050 đồng/cp, trước đó vừa tăng trần liên tiếp 6 phiên từ 25/11 đến 2/12. AAV của AVV Group cũng vừa giải trình tăng trần 5 phiên tuy nhiên đà tăng cũng dần thu hẹp rồi quay đầu giảm sàn xuống 5.500 đồng/cp.
Trong khi đó, áp lực bán mạnh cũng khiến mã L14 “phi” từ trần xuống mức giá đỏ khi chốt phiên, giảm 0,6%. Những trụ lớn ghi nhận biên độ giảm nhẹ hơn, đơn cử như VIC giảm 2,2%, BCM giảm 2,4%…
Liên quan mật thiết đến nhóm bất động sản, cổ phiếu ngành xây dựng hay mảng vật liệu xây dựng cũng có diễn biến không mấy khả quan trong phiên hôm nay. Cổ phiếu xây dựng như HHV, CTD, VCG, HBC cũng giảm sàn. Cổ đông nhóm thép cũng chịu chung tình cảnh khi đồng loạt HPG, HSG, NKG, TLH, SMC… giảm hết biên độ.
Bức tranh ngành bất động sản chưa thực sự khả quan
Có thể thấy, triển vọng của nhóm cổ phiếu lĩnh vực bất động sản chưa thể tích cực hoàn toàn. Bối cảnh chung vẫn chưa có nhiều gam màu sáng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này và nhóm ngành liên quan khi dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị hạn chế. Bên cạnh đó, cổ phiếu nhóm bất động sản còn chịu thêm áp lực chốt lời trên thị trường sau khi cổ phiếu bắt đáy tại những nhịp phục hồi trước đó về tay nhà đầu tư. Lực bán gia tăng mạnh ngay khi thị giá vừa có dấu hiệu hồi phục, cộng thêm lực cầu tỏ ra yếu ớt cho thấy niềm tin của dòng tiền chưa thực sự trở lại với các cổ phiếu bất động sản.
Đặc biệt, thông tin nóng đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%. Đây được đánh giá là một tín hiệu tích cực, khiến không ít người kỳ vọng sẽ hỗ trợ lĩnh vực bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, thực tế thì hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Trong khi đó, việc cho vay đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản được cho sẽ không có nhiều thay đổi.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá rằng về dài hạn nhóm bất động sản vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi nút thắt về thanh khoản vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi vấn đề đáo hạn trái phiếu vẫn chưa tìm được “đường ra”. Do đó, nhóm cổ phiếu bất động sản chỉ nên “lướt sóng” ngắn hạn trong khi dài hạn chưa có nhiều thông tin hỗ trợ.
Báo cáo mới đây của VNDIRECT cũng đánh giá ngành bất động sản nhà ở đang đối mặt với nhiều thách thức gồm chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cộng thêm áp lực thanh khoản trả nợ vay. Mặt bằng lãi suất tăng cũng làm suy yếu nhu cầu mua nhà và nguồn cung mới có thể sụt giảm khi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi. Trong khi đó, yếu tố tích cực đối với BĐS công nghiệp cũng đang mờ dần khi dòng vốn FDI chậm lại và nguồn cung mới suy giảm do những khó khăn trong thủ tục pháp lý.
Tuy nhiên, VNDIRECT nhận thấy sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết hiện tốt hơn so với giai đoạn 2011-2013 trước đó, do đó kỳ vọng chu kỳ sẽ diễn ra ngắn hơn và ít thiệt hại hơn. Đồng thời giá vật liệu xây dựng hạ nhiệt là điểm tích cực trong 2023. Bất động sản Khu công nghiệp cũng có tiềm năng tăng trưởng nguồn cung nhà kho và nhà xưởng xây sẵn nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử.