Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán VCBS đánh giá triển vọng năm 2023 đối với ngành xây dựng sẽ phân hóa mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp.
VCBS cho rằng điều kiện cho hoạt động thi công các công trình sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2023 với lực lượng lao động về cơ bản đã trở vể mức ổn định. Thêm vào đó, chu kì thời tiết dự báo chuyển sang trạng thái El Nino (với đặc điểm ít mưa), tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thi công, đặc biệt tại các dự án hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, kể từ quý 3/2022, giá một số loại vật liệu xây dựng (đặc biệt thép) đã ghi nhận mức sụt giảm đáng kể. VCBS kỳ vọng giá thép sẽ chưa ghi nhận xu hướng tăng mới trong năm 2023 nhờ nhu cầu thép thế giới thấp trong khi chuỗi cung ứng được nối lại hậu đại dịch. Giá vật liệu đi xuống kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xây lắp.
Tuy vậy, VCBS nhấn mạnh tác động sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm doanh nghiệp khi nhóm xây dựng dân dụng (đặc biệt các dự án cao tầng) và xây dựng công nghiệp sẽ được hưởng lợi đáng kể do các nguyên liệu thép/ tôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí. Biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp trên dự kiến sẽ có sự cải thiện khi hợp đồng với các nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới. Đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng (đặc biệt các dự án cao tốc), tác động sẽ khá hạn chế do các loại vật liệu chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí (đất đắp, cát san nền, đá,…) vẫn duy trì xu hướng tăng giá.
Cụ thể hơn, đối với nhóm xây dựng dân dụng (CTD, HBC, PHC, Ricons,…) – chủ yếu thi công các công trình chung cư, khu đô thị, tòa văn phòng, trung tâm thương mại, năm 2023 sẽ là một năm tương đối khó khăn. Trong năm 2023, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp khi số dự án được cấp phép ở mức thấp, thị trường bất động sản đi vào giai đoạn trầm lắng cộng thêm nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt và việc phát hành TPDN khó khăn hơn.
Theo VCBS, chủ đầu tư các dự án quy mô lớn (đại đô thị, khu phức hợp),… sẽ có xu hướng sử dụng dịch vụ của nhiều nhà thầu tại các phân khu/ gói thầu khác nhau. Một mặt điều này giúp gia tăng cơ hội cho các nhà thầu tham gia vào các dự án quy mô lớn, nhưng vị thế đàm phán và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dự kiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Từ đây, một số doanh nghiệp có lợi thế sẽ giữ được sự ổn định nhất định trong bối cảnh cạnh tranh mới là các doanh nghiệp có mối quan hệ lâu năm và chặt chẽ với các chủ đầu tư BĐS lớn hoặc nằm trong hệ sinh thái của chủ đầu tư.
Đặc biệt, trong năm 2023, một lượng đáng kể TPDN sẽ bắt đầu đáo hạn và sẽ tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều chủ đầu tư có thể thiếu hụt nghiêm trọng về dòng tiền khi áp lực trích dự phòng phải thu dần mạnh mẽ từ giữa năm 2023, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho các nhà thầu.
Theo đó, doanh nghiệp có cơ cấu tài chính khỏe mạnh, nguồn tiền mặt lớn sẽ có khả năng chống chịu tốt trong giai đoạn thị trường khó khăn. Ngoài ra, yếu tố quan trọng mang tính quyết định là việc sở hữu nhiều lợi thế trong việc gia nhập thị trường xây dựng công nghiệp và giành các gói thầu lớn từ khối doanh nghiệp FDI nhờ gần gũi về văn hóa và quy trình hoạt động được chuẩn hóa quốc tế.
Tại nhóm xây dựng hạ tầng (VCG, HHV, C4G, FCN, C47…) thi công cao tốc, sân bay, đường quốc lộ, cầu, VCBS đánh giá cao câu chuyện hưởng lợi từ đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 2,9 triệu tỷ đồng – cao hơn nhiều so với các chu kì đầu tư trước đó. Giai đoạn 2023-2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công, mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Các doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh sẽ đặc biệt có lợi thế trong đấu thầu các dự án thuộc chu kì đầu tư công 2021-2025.
Tuy vậy các dự án nhiều khả năng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vật liệu đắp (đặc biệt tại đồng bằng Sông Cửu Long). Việc kiểm soát chi phí đầu vào và tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục là vấn đề then chốt của các nhà thầu và các doanh nghiệp sở hữu mảng cung cấp VLXD hoặc đầu tư hạ tầng kèm theo, giúp bù đắp dòng tiền và tạo động lực tăng trưởng dài hạn.
VCBS cho rằng các gói thầu xây lắp mới trong chu kì đầu tư 2021 – 2025 sẽ tập trung nhiều hơn cho các doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực tài chính lớn và không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay tài chính cho hoạt động thi công. Các doanh nghiệp cũng cần có khả năng tận dụng được việc tham gia xây lắp dự án hạ tầng để cải thiện các hoạt động kinh doanh khác.
Trong khi đó, triển vọng kinh doanh tích cực được kỳ vọng tại nhóm xây dựng công nghiệp (FCN, LLM, Sumitech, Icons,…) chuyên thi công nhà máy, nhà xưởng, kho bãi. Theo VCBS, thị trường xây dựng nhà xưởng, kho bãi trong năm 2023 dự báo sẽ tương đối thuận lợi cho các doanh nghiệp xây lắp trong nước nhờ nhu cầu nhà xưởng tăng cao khi dòng vốn FDI duy trì mức tăng trưởng tích cực. Xu hướng các nhà phát triển khu công nghiệp tự đầu tư hệ thống nhà xưởng rồi cho thuê (thay vì chỉ cho thuê đất) cũng ngày một gia tăng, qua đó mang đến lợi thế cho các nhà thầu trong nước. Ngoài ra, các vật liệu chủ đạo cho xây dựng nhà xưởng/ nhà máy (thép thanh, thép cuộn, tôn lợp,…) đã ghi nhận mức giảm mạnh và kì vọng cải thiện biên lợi nhuận các doanh nghiệp.
Tuy vậy, mức độ cạnh tranh dự kiến tăng lên đáng kể trong giai đoạn tới khi nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng dân dụng/ hạ tầng tích cực gia nhập thị trường. VCBS đánh giá thị phần sẽ dần thuộc về các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, hạ tầng đẩy mạnh gia nhập thị trường.
VCBS đánh giá cao ba doanh nghiệp là Vinaconex (VCG), Đèo Cả (HHV) và Fecon (FCN)