Hoang mang là tâm lý chung của các nhà đầu tư khi rơi vào cảnh cổ phiếu mình sở hữu bị hủy niêm yết. Trong trường hợp này, nhà đầu tư nên ứng xử ra sao?
Trên thực tế, nhà đầu tư vẫn có quyền giao dịch đối với cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn. Hoặc cũng có thể yêu cầu công ty cấp sổ cổ đông trong trường hợp hủy niêm yết không chuyển sàn.
Thế nào là cổ phiếu bị hủy niêm yết?
Chúng ta cần hiểu cổ phiếu bị hủy niêm yết là như thế nào? Nói đơn giản, cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ không còn được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trước đó như HSX hay HNX, không được chuyển sàn hay chuyển xuống Upcom nhằm đảm bảo tính thanh khoản.
Có hai trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu theo quy định của pháp luật gồm có:
Hủy niêm yết tự nguyện:
Nghĩa là, doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết trong trường hợp, trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông (không phải là cổ đông lớn) tán thành hủy niêm yết. Việc hủy niêm yết tự nguyện sẽ được thực thi sau khi có quyết định chấp thuận của Sở Giao dịch Chứng khoán tối thiểu 2 năm.
Câu chuyện về tự hủy niêm yết có thể đề cập đến CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (mã chứng khoán CEE). Theo đó, doanh nghiệp này đã xin tự nguyện hủy niêm yết trên HOSE để chuyển về Upcom.
Hủy niêm yết bắt buộc:
Trong trường hợp các mã cổ phiếu không đáp ứng đủ điều kiện, quy định cho việc niêm yết chứng khoán theo Nghị định 155 của Chính phủ sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
“Điều 120. Huỷ bỏ niêm yết bắt buộc
1. Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
b) Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;
c) Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;
d) Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;
đ) Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết;
e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
g) Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản;
h) Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;
i) Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;
k) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết;
l) Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán;
m) Tổ chức niêm yết bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính;
n) Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định;
o) Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.”
Trong đó, một số lý do thường gặp khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc là do vi phạm về luật chứng khoán, kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, không hoạt động kinh doanh từ một năm trở lên hoặc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin…
Nhiều mã cổ phiếu bị hủy niêm yết năm 2022
Mới đây nhất, gần 710 triệu cổ phiếu FLC đã bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 20/2/2023. Lý do bởi, doanh nghiệp này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Tập đoàn FLC đã không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, đồng thời chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2022.
Có thể thấy, từ năm 2022 tới nay, hàng chục mã cổ phiếu đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE và HNX. Một trong số đó là cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros thuộc “họ” FLC.
ROS bị huỷ niêm yết trên sàn HOSE vào đầu tháng 9/2022 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Do đó, Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Thậm chí, cổ phiếu này còn không thể chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM, do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quản lý là bởi chưa khắc phục được các vi phạm vẫn tồn tại.
Hay cổ phiếu ACM của Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường cũng bị hủy niêm yết trên HNX. Nguyên nhân là vì, bị tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2020. Thêm nữa, doanh nghiệp này cũng liên tục vi phạm các quy định về vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện khắc phục được nguyên nhân nên bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch.
Trong năm 2022, một loạt các cổ phiếu như PXS, C92, APP, ACM, VIE, HPM, PDC, SD2, PHP, LCM… bị hủy niêm yết bắt buộc do kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp gồm 2019, 2020, 2021.
Còn trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp cũng đối mặt với nguy cơ cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc do ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022. Trong số đó có thể kể đến SII của Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, HVN của VietnamAirlines, HOT của Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An hay L35 của Công ty cổ phần Cơ khí lắp máy Lilama…
Nhà đầu tư phải làm sao khi cổ phiếu bị hủy niêm yết?
Khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về giá trị sở hữu cổ phiếu, chỉ có điều, giá trị tài sản của cổ phiếu cũng như tính thanh khoản có thể bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đối với các cổ đông nhỏ, vấn đề lớn nhất chính là rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt. Do vậy, ở giai đoạn này, không ít nhà đầu tư tỏ ra lúng túng và khó kiểm soát tâm lý đầu tư. Vậy, các nhà đầu tư cần lưu ý gì trong trường hợp này?
Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn, điều các nhà đầu tư nên làm là liên hệ với doanh nghiệp và đề nghị cấp sổ cổ đông, xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp (nếu có).
Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn và xuống sàn thấp hơn như Upcom, nhà đầu tư không cần phải quá lo lắng bởi cổ phiếu sẽ vẫn được giao dịch tại sàn mới. Tuy nhiên, do giá trị cổ phiếu đã giảm nên tính thanh khoản sẽ thấp.
Một cách ứng xử khác đối với cổ phiếu bị hủy niêm yết là nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ nó, nhưng chỉ trong trường hợp cổ phiếu có khả năng phục hồi. Thực tế, các cổ phiếu này khó có khả năng phục hồi khi mà các công ty bị hủy niêm yết chứng khoán, rời sàn thường làm ăn thua lỗ liên tục trong nhiều năm và thiếu minh bạch trong vấn đề thông tin.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tiếp tục nắm giữ đối với những cổ phiếu có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi đối với những cổ phiếu này là khó, bởi trên thực tế, các công ty mà có cổ phiếu huỷ niêm yết và phải rời khỏi sàn thường là những công ty làm ăn thua lỗ liên tục nhiều năm, thông tin thiếu minh bạch.
Như vậy, các nhà đầu tư để bảo về chính mình thì tốt nhất không nên mua những cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc không minh bạch trong thông tin, đặc biệt là có dấu hiệu làm giá hay đang trong diện kiểm soát…