Thị trường chứng khoán vừa được “bơm oxy” trong phiên cuối tuần để chặn đứng đà giảm đầy mệt mỏi. Thế nhưng, cổ đông của Long Hậu (LHG) lại không được may mắn như vậy khi cổ phiếu LHG tiếp tục đo sàn phiên thứ 4 liên tiếp xuống dưới 46.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây.
Khác với 2 phiên trước đó, thanh khoản ngày cuối tuần bất ngờ tăng đột biến lên hơn 4,6 triệu đơn vị do cầu bắt đáy nhập cuộc và có thời điểm đã kéo cổ phiếu này về gần tham chiếu. Khớp lệnh kỷ lục kể từ khi niêm yết nhưng cổ phiếu vẫn bị đẩy xuống giá sàn cho thấy áp lực bán tháo còn rất mạnh.
Cổ phiếu LHG “đổ đèo”
Ngay trước cú rơi bất ngờ, LHG đã có nhịp tăng khá mạnh qua đó đẩy thị giá lên đỉnh sử 61.200 đồng/cổ phiếu. Ngay cả khi đã giảm 25% từ đỉnh, cổ phiếu này vẫn còn cao hơn gần 33% so với thời điểm cách đây 1 năm. Vì thế, sẽ không bất ngờ nếu cổ phiếu này tiếp tục rung lắc trước áp lực bán mạnh bởi bệ đỡ từ nền tảng cơ bản có phần “lung lay”.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 mới công bố, Long Hậu bất ngờ đặt kế hoạch kinh doanh thấp “khó hiểu” với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 110,9 tỷ đồng, giảm 62,6% so với thực hiện trong năm 2021. Nếu không có biến động đột biến, doanh nghiệp BĐS KCN này sẽ báo lãi thấp nhất kể từ năm 2015. Cổ tức cho năm 2022 dự kiến cũng giảm xuống mức 17% so với con số 19% được đề xuất cho năm 2021.
LHG gây bất ngờ với kế hoạch lợi nhuận thấp khó tin
Kế hoạch lợi nhuận thấp đến bất ngờ của Long Hậu đã khiến các công ty chứng khoán từng ra báo cáo về cổ phiếu LHG gần đây đều rơi vào thế “việt vị”. Điển hình như Mirae Asset với đánh giá khả quan trong báo cáo ngắn công bố ngày 18/4 ngay trước khi cổ phiếu LHG lao dốc.
CTCK này dự phóng doanh thu và lợi nhuận 2022 của Long Hậu đều có thể tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 922 tỷ đồng và 349 tỷ đồng. Mirae Asset cho rằng doanh nghiệp BĐS KCN này sẽ tiếp tục cho thuê đất tại KCN Long Hậu 3 với kỳ vọng diện tích thuê vào khoảng 13 ha, tăng 18% so với cùng kỳ.
Dự phóng kết quả kinh doanh LHG của Mirae Asset
Trước đó trong một báo cáo công bố hồi giữa tháng 2/2022, VCSC cũng kỳ vọng lợi nhuận của LHG sẽ có dư địa lớn để tăng trưởng mạnh vào năm 2022 dù công ty hiện chỉ kinh doanh 1 dự án KCN Long Hậu 3.1. CTCK này dự báo doanh thu năm 2022 của Long Hậu có thể đạt 935 tỷ đồng, tăng 20% và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 376 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
VCSC kỳ vọng tăng trưởng doanh thu chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng diện tích bán đất KCN (+18% so với cùng kỳ), trong khi lợi nhuận tăng sẽ được hỗ trợ thêm bởi biên lợi nhuận ròng lên 40% so với 38% vào năm 2021 chủ yếu nhờ vào mức tăng giá đất KCN giả định là 4% so với cùng kỳ trong năm 2022.
Trong khi đó, Long Hậu lại cho biết chỉ còn đất công nghiệp thương phẩm tại Khu công nghiệp Long Hậu 3 (khai thác từ năm 2019) và kinh doanh dự kiến đến năm 2025 với quỹ đất còn lại khá hạn chế. Trong khi các dự án KCN mới gồm Long Hậu mở rộng (giai đoạn 2) và dự án KCN An Định kế hoạch dự kiến đến năm 2024 mới có đất thương phẩm đưa vào kinh doanh.
Trong chiến lược 5 năm 2021-2025, Long Hậu cũng rất thận trọng với kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận không cao. Từ năm 2022, doanh nghiệp sẽ phải tập trung toàn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý của các dự án để sớm triển khai xây dựng, bổ sung quỹ đất kinh doanh cho các năm tới.
Kế hoạch trọng tâm với mảng khu công nghiệp là khai thác một KCN mới từ năm 2024 và tìm kiếm quỹ đất bổ sung vào diện tích 500 ha. Ngoài ra, Long Hậu dự kiến sẽ khai thác đất dân cư – tái định cư từ năm 2024. Một số dự án, sản phẩm mới như KCN Long Hậu mở rộng – giai đoạn 2 với diện tích 90 ha; KCN An Định – Vĩnh Long với diện tích 200 ha; KDC –TĐC Long Hậu 3 với diện tích 19 ha…