Từ năm cuối năm 2020 và sang 2021, thị trường ghi nhận bước tiến vượt bậc về thanh khoản. Giá trị giao dịch bình quân tăng vọt so với năm trước do dòng tiền mới vào thị trường ở quy mô rất lớn. Các cổ phiếu ngành thay nhau dẫn sóng, viết nên câu chuyện đầu tư theo nhóm ngành hết sức sôi động trong năm 2021.
Đọc thêm: Các sự kiện chứng khoán Việt Nam 2021
Sóng “bank – chứng – thép”
Đầu tiên không thể kể tới bộ ba ngân hàng, chứng khoán và thép, giới đầu tư vẫn gọi vui là “bằng chứng thép”. Đây là những nhóm cổ phiếu làm mua làm gió thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2021.
Tới cuối tháng 6, toàn bộ cổ phiếu ngân hàng đều tăng mạnh so với đầu năm, trong đó có không ít cổ phiếu tăng bằng lần như VIB, VPB… Đà tăng mạnh của dòng ngân hàng đã kéo chỉ số lên mức cao. Nhờ nhóm ngân hàng, VN-Index vượt đỉnh 1,400 điểm vào đầu tháng 7.
Nhóm ngành thép với những cái tên như HPG, HSG, NKG… đồng loạt tăng mạnh trở thành những cái tên được nhiều nhà đầu tư chú ý trong năm. Đà tăng của nhóm này chủ yếu do kỳ vọng vào kết quả kinh doanh đột biến, khi giá thép thế giới và Việt Nam tăng phi mã.
Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh (ngân hàng từ giữa năm và thép vào tháng 10), 2 nhóm ngành này đã nhường “sân khấu” cho nhóm khác. Kết năm 2021, hai nhóm này vẫn chưa thể về lại mức đỉnh đã lập trong năm.
Diễn biến chỉ số ngành ngân hàng và vật liệu xây dựng năm 2021
Ngoài ra, danh mục tự doanh của khối chứng khoán cũng đạt mức sinh lời tốt nhờ bối cảnh thị trường chung thuận lợi. Nhờ vậy mà giá cổ phiếu đồng loạt tăng mạnh, hầu hết cổ phiếu chứng khoán đều tăng bằng lần so với 2 năm trước. Tuy vậy, đà tăng ở nhóm này có dấu hiệu chững lại trong 2 tháng cuối năm 2021.Chứng khoán là nhóm hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Năm 2021, lượng tài khoản mở mới kỷ lục cao hơn cả 3 năm trước đó cộng lại (đạt hơn 1.2 triệu tài khoản trong 11 tháng đầu năm). Nhờ dòng tiền mạnh đổ vào thanh khoản thị trường liên tục lập đỉnh. Giá trị khớp lệnh bình quân cả 3 sàn đạt trên 24.5 ngàn tỷ đồng/phiên, gấp 3.8 lần năm trước.
Sóng vận tải và phân bón
Không chỉ dừng ở “bank – chứng – thép” dòng tiền bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở những nhóm ngành khác.
Điển hình như nhóm cổ phiếu vận tải biển và cảng biển. Vào giữa năm 2021, giá cước vận tải biển tăng mạnh cùng tiềm năng lưu chuyển hàng hoá đã trở thành động lực tăng trưởng của cổ phiếu logistics vận tải biển. Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu cảng, vận tải biển đã nhanh chóng phản ứng với những thông tin tốt này và tăng mạnh từ giữa tháng 7/2021.
Giai đoạn này, nhiều cổ phiếu cảng biển, vận tải biển tăng bằng lần so với đầu năm, từ 2-6 lần, như PHP tăng gấp đôi lên 32,000 đồng/cp khi chốt phiên 13/08, HAH tăng gấp 3 lần lên 56,500 đồng/cp, VOS tăng gấp 5.7 lần lên 13,150 đồng. VNA tăng mạnh nhất với mức tăng gấp 7.5 lần chỉ sau hơn 8 tháng.
Ở nhóm cảng, ngoài PHP, CCR, SGP tăng “bằng lần”, các mã khác có tốc độ tăng dưới 100% như VSC (27%), DVP (28%), GMD (48%)…
Tuy vậy, sóng cổ phiếu vận tải biển chỉ kéo dài tới quý 3 và lình xình tới cuối năm 2021.
Các nhóm ngành hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng như phân bón, vật tư nông nghiệp, cũng bứt phá.
Kể từ đầu tháng 7 đến nay, trong khi VN-Index có những phiên sụt giảm mạnh do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì trên sàn chứng khoán vẫn có một nhóm cổ phiếu “lội ngược dòng”. Đó chính là nhóm cổ phiếu phân bón với nhiều mã đã tăng 60 – 120%. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 19/08/2021, so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu LAS đã tăng gần 109%, cổ phiếu DPM tăng 95%, cổ phiếu DCM tăng 73%, cổ phiếu BFC tăng 120%, cổ phiếu SFG tăng 57%…
Việc nhóm cổ phiếu phân bón “dậy sóng” xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là kết quả kinh doanh tích cực của nhóm doanh nghiệp ngành này trong 6 tháng đầu năm và thứ hai là kỳ vọng về kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện sau khi Trung Quốc ban hành lệnh tạm thời ngừng xuất khẩu phân bón.
Sóng cổ phiếu bất động sản – xây dựng cuối năm
Sóng năm nay khởi đầu bằng ngân hàng, chứng khoán, thép. Vào giữa năm là các nhóm vận tải, phân bón. Và rồi kết thúc ở nhóm bất động sản – xây dựng.
Trong 2 tháng cuối năm 2021, cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ vào sóng mạnh. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa vừa trong nhóm tăng giá mạnh trong thời gian ngắn. Thị giá cổ phiếu liên tục tăng mạnh. Không ít cái tên tăng nóng như CEO, LDG, DIG với hàng loạt phiên tăng trần liên tiếp.
Nhóm cổ phiếu xây dựng bắt đầu tạo đáy từ giữa năm 2021 và đặc biệt mạnh từ cuối tháng 11. Chỉ trong 2 tháng cuối năm CTD, HBC, CII… đã tăng giá gấp đôi.
Lựa chọn cổ phiếu theo nhóm ngành là chiến lược đầu tư đã có từ lâu. Giai đoạn trước kia, sóng ngành thường không rõ ràng và thu hút chú ý như gần đây. Thanh khoản trước năm 2020 khá nhỏ khiến sự dịch chuyển dòng tiền khó nhận biết hơn và cũng không tạo được các trào lưu sôi động. Từ năm cuối năm 2020 và sang 2021, thị trường ghi nhận bước tiến vượt bậc về thanh khoản. Giá trị giao dịch bình quân tăng vọt so với năm trước do dòng tiền mới vào thị trường ở quy mô rất lớn.
Từ đó năm 2021 là năm mà câu chuyện đầu tư theo nhóm ngành hết sức sôi động.Bên cạnh những cơn sóng kể trên, năm 2021, thị trường cũng chứng kiến nhiều cơn sóng ngắn ở các ngành như bảo hiểm, công nghệ thông tin, cao su, thiết bị điện…