Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên điều chỉnh thực sự có sức nặng khi VN-Index giảm gần 45 điểm (-4,11%), mạnh nhất trong gần 6 tháng kể từ ngày 13/6. Sắc đỏ bao trùm trên hầu hết nhóm ngành quan trọng trong đó một loạt cổ phiếu thép thậm chí còn “trắng sàn”. HPG, HSG, NKG, SMC, TLH, VGS,… đều giảm hết biên độ trong khi chỉ có POM là cái tên hiếm hoi ngược dòng tăng trần.
Áp lực chốt lời mạnh sau giai đoạn hồi phục nhanh từ đáy là một trong những nguyên nhân khiến các cổ phiếu thép giảm sâu phiên hôm nay. So với đáy dài hạn xác nhận vào giữa tháng 11, các cổ phiếu HPG (+52%), HSG (+67%), NKG (+69%), SMC (+49%), TLH (+54%),… đều đã hồi phục mạnh hàng chục %.
Định giá rơi xuống mức thấp khó tin sau giai đoạn giảm triền miên có thể đã thúc đẩy dòng tiền bắt đáy nhập cuộc trên nhóm thép thời gian gần đây. Trước nhịp hồi mạnh vừa qua, hầu hết các cổ phiếu như HPG, HSG, NKG, SMC, TLH,… đều đã xuống dưới giá trị sổ sách. Dù hồi mạnh nhưng các cổ phiếu thép vẫn còn giảm rất sâu so với đỉnh cách đây một năm.
Bên cạnh áp lực chốt lời, thông tin về sản lượng bán thép của Hòa Phát sụt giảm mạnh cũng ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến cổ phiếu. Trong tháng 11/2022, Hòa Phát ghi nhận 384.000 tấn thép thô, giảm 43% so với cùng kỳ. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) lần lượt đạt 252.000 tấn và 180.000 tấn, tương ứng giảm 7% và 12% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá từ Hòa Phát, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm thép nhìn chung vẫn chưa được cải thiện. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm. Tiêu thụ thép xây dựng trong nước phục hồi nhẹ so với tháng trước nhưng thị trường xuất khẩu giảm hơn 70% so với cùng kỳ. Việc tiêu thụ các sản phẩm thép hạ nguồn cũng gặp khó khăn do thị trường trầm lắng.
Khó khăn vẫn còn phía trước
Bên cạnh sự hạ nhiệt của thị trường BĐS nhà ở tại Việt Nam, ngành thép trong nước cũng đang chịu tác động từ những khó khăn như (1) giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm than cốc và thép phế) và (2) nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Theo VNDirect, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ được dự báo sẽ cùng giảm 3% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Từ cuối tháng 9, nhiều doanh nghiệp thép cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng lớn như Pomina thông báo đóng cửa lò cao POM 2 kể từ ngày 25/09/2022; Công ty TNHH Thép Miền Nam đã cho nhân viên nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngừng sản xuất trong Q4/22; Các nhà sản xuất tôn mạ lớn đã tạm ngừng một số dây chuyền sản xuất.
Hòa Phát cũng có kế hoạch đóng cửa 2 lò cao (trong 3 lò) tại nhà máy Hải Dương và 2 lò cao (trong 4 lò) tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất (KLHDQ) vào tháng 11/2022. Nếu nhu cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng trong tháng cuối năm, HPG sẽ xem xét đóng cửa thêm 1 lò cao nữa (lò thứ 5) vào tháng 12/2022. Với kế hoạch đóng cửa 5/7 lò cao tại 2 khu liên hợp sản xuất thép, đây là thông điệp rất tiêu cực của ban lãnh đạo HPG về nhu cầu thép trong ngắn hạn.
Thêm nữa, xu hướng tăng lãi suất thời gian qua cũng có tác động đáng kể đến các doanh nghiệp thép khi hầu hết đều đang ở vị thế nợ vay ròng tại thời điểm cuối quý 3. Chi phí lãi vay tăng sẽ ăn mòn lợi nhuận của ngành thép trong môi trường lãi suất cao hơn. Dù vậy, tỷ lệ Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp thép vẫn đang tốt hơn đáng kể so với giai đoạn 2010-19.
Tín hiệu tích cực dần xuất hiện
Dù còn nhiều khó khăn nhưng VNDirect cho rằng một số tín hiệu đã xuất hiện có thể là tiền đề cho việc ngành thép được cải thiện. Cụ thể, giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong năm 2023-24 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại, giá quặng sắt cũng được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn từ mức trung bình 110 USD/tấn trong năm 2022 xuống lần lượt 90-70 USD/tấn trong năm 2023-24.
Bên cạnh đó, Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng có thể bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ. Bất chấp việc giá bán thép vẫn tiếp tục giảm trong tháng 10-11, VNDirect vẫn kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép sẽ phục hồi từ quý 4/2022 khi hầu hết hàng tồn kho giá cao đã được ghi nhận vào giá vốn hàng bán của quý trước đó.
Theo VNDirect, các doanh nghiệp thép đã giảm mức tồn kho xuống chỉ còn 2-3 tháng trong quý 4 so với mức 4-5 tháng tại cuối quý 2. Điều này sẽ làm giảm rủi ro từ việc trích lập giảm giá hàng tồn kho. Bên cạnh đó, việc giá giao ngay của các nguyên vật liệu đầu vào (quặng sắt, than cốc, thép phế) cũng đang dần quay về mức trung bình. Vì vậy, VNDirect cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép sẽ sớm chạm đáy, mặc dù tốc độ phục hồi sẽ khá chậm do nhu cầu thép yếu.