Theo SSI Research, trong quý II, Sabeco ( HoSE: SAB ) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ấn tượng, lần lượt là hơn 9.008 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và 1.793 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp với chuyên viên phân tích vừa qua, ban lãnh đạo Sabeco cho biết giá bán bình quân tăng, cơ cấu sản phẩm tốt hơn và hiệu quả sản xuất được cải thiện đã giúp đơn vị đạt mức tăng lợi nhuận ròng theo quý cao nhất từ trước đến nay. Doanh nghiệp tiếp tục tập trung vào phân khúc phổ thông, là phân khúc đã giúp tăng thị phần trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, tăng trưởng doanh thu được thúc đẩy bởi doanh thu bán hàng tăng lên, do nhu cầu phục hồi nhờ việc mở lại các kênh tiêu thụ tại chỗ, cũng như “sức khỏe thương hiệu” của Sabeco được cải thiện. Ban lãnh đạo tiết lộ mức độ nhận biết thương hiệu Sabeco đã gia tăng trên diện rộng. Cụ thể, thương hiệu Saigon Special cải thiện đáng kể về mức độ nhận diện kể từ khi ra mắt trở lại vào tháng 4. Hầu hết các công ty đều tăng giá bán bình quân, và sản lượng tiêu thụ vẫn chưa trở lại mức trước Covid. Ban lãnh đạo vẫn giữ quan điểm sản lượng tiêu thụ sẽ hồi phục trở lại mức trước đại dịch vào đầu năm 2023.
Tỷ suất lợi nhuận gộp quý II đạt mức cao kỷ lục 34,3% nhờ vào ba yếu tố. Đó là giá bán bình quân được điều chỉnh tăng mạnh (dù mức tăng vẫn dưới 10% nhưng cao hơn hẳn mức tăng 2~3% trước đó); cơ cấu sản phẩm cải thiện, một phần do doanh thu bán hàng của sản phẩm Saigon Special tăng nhẹ; tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất bia được cắt giảm liên tục. Trong 6 tháng đầu năm 2022, chi phí chiết xuất mạch nha, gạo và hạt hop lần lượt giảm 2%, 2% và 9% so với cùng kỳ, trong khi chi phí enzyme giảm 32% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí điện, nước và hơi nước cũng giảm lần lượt 10%, 20%, 9% so với cùng kỳ. 8 trong số 26 nhà máy bia của công ty đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.
Trong tương lai, lãnh đạo Sabeco kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục phục hồi vì vẫn còn dư địa cắt giảm chi phí trong nhiều hoạt động, mặc dù mức hồi phục của tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ ở mức vừa phải do có thể tăng lương cho công nhân nhà máy. Các nguyên liệu đầu vào khác như gạo và hoa bia vẫn có khả năng gặp rủi ro tăng chi phí. Dù vậy, ban lãnh đạo tin rằng vẫn có cơ hội cho một đợt tăng giá khác, vì những đợt tăng giá gần đây nhất không làm mất thị phần.
SSI Research lưu ý rằng tỷ lệ chi phí quảng cáo và khuyến mại (A&P) trong doanh thu đã giảm đáng kể từ 10,4% trong quý 2/2021 xuống 7,8% trong quý 2/2022. Ban lãnh đạo công ty bia kỳ vọng tỷ lệ này sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm, vì tỷ lệ A&P đã đạt mức tối ưu trong năm qua và “sức khỏe thương hiệu” của Sabeco được cải thiện. Nói cách khác, do doanh thu bán hàng và sức khỏe thương hiệu đều tăng trong năm qua, SSI Research kỳ vọng tỷ lệ A&P trên doanh thu sẽ giảm.
Bên cạnh đó, mặc dù tình hình cạnh tranh vẫn còn gay gắt, nhưng Sabeco đã giành được thị phần trong phân khúc khách hàng phổ thông, bất chấp tiêu dùng sụt giảm sau đại dịch. Trước áp lực lạm phát tăng cao, khách hàng có xu hướng tiêu dùng những loại bia rẻ hơn, đây là lợi thế của doanh nghiệp. Trong giai đoạn trước Covid, phân khúc bia cận cao cấp có mức tăng trưởng mạnh nhất ở hai con số, trong khi phân khúc phổ thông chỉ tăng một con số so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng đã thay đổi sau đại dịch. Mặc dù cả hai phân khúc hiện đều tăng trưởng ở mức một con số so với cùng kỳ, nhưng quy mô của phân khúc bia cận cao cấp đã thu hẹp lại so với tổng quy mô thị trường và được thay thế bằng các loại bia giá cả phải chăng hơn. Trong 6 tháng đầu năm, Heineken Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thuần là 20~25%. Xem xét danh mục sản phẩm cao cấp, SSI Research tin rằng tăng trưởng sản lượng bán hàng của Heineken thấp hơn một chút so với Sabeco trong 6 tháng đầu năm nay. Do đó, Sabeco đã thu được thị phần đáng kể.