Theo số liệu cập nhật từ ngày 29/11 đến nay, Fubon FTSE Vietnam ETF đã phát hành ròng 219 triệu chứng chỉ quỹ (ccq), tương đương khoảng 2,3 tỷ TWD. Trước đó, quỹ đã huy động bổ sung lần thứ 4 với số vốn 5 tỷ TWD từ ngày 29/11.
Uớc tính Fubon ETF sẽ còn có thể mua khoảng 2,7 tỷ TWD (~2.100 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam . Với tốc độ như hiện tại, động thái mua ròng của Fubon có thể kéo dài đến hết tháng 1/2023.
Fubon ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). Tạm tính theo tỷ trọng rổ chỉ số này tại thời điểm 23/12, hơn một nửa số tiền có thể giải ngân thêm sẽ được rót vào các cổ phiếu VIC, VHM, MSN, VNM, HPG. Về khối lượng, HPG dự kiến sẽ được mua thêm nhiều nhất với khoảng hơn 11 triệu cổ phiếu, theo sau là VIC, VHM, SSI, VRE, SHB,…
Tại thời điểm 23/12, giá trị tài sản ròng (NAV) của Fubon ETF đạt xấp xỉ 21 tỷ TWD (~16.000 tỷ đồng) và là ETF ngoại có quy mô lớn nhất trên TTCK Việt Nam. Danh mục cổ phiếu chiếm đến 98,86% NAV của quỹ trong đó top 10 khoản đầu tư lớn nhất hiện tại lần lượt là VIC, VHM, MSN, VNM, HPG, VCB, VRE, SSI, VJC, STB.
Kể từ khi bắt đầu rót vốn vào chứng khoán Việt Nam từ tháng 3/2021, Fubon ETF luôn là “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn từ khu vực Đông Á. Quỹ đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc) là ETF duy nhất không bị rút vốn trong tất cả các tháng từ đầu năm với đỉnh điểm vào tháng 11 vừa qua khi quỹ hút ròng đến gần 133 triệu USD (~3.150 tỷ đồng).
Xu hướng vẫn đang được tiếp tục cho đến những ngày cuối tháng 12. Lũy kế từ đầu năm, Fubon ETF đã hút ròng hơn 526 triệu USD (~12.400 tỷ đồng), lớn nhất trong số các ETF đang đầu tư trên TTCK Việt Nam. Đây cũng là mức giá trị dòng tiền vào kỷ lục một quỹ ETF từng đạt được trong lịch sử.
Fubon ETF liên tục hút tiền mạnh trong bối cảnh hiệu suất đầu tư của quỹ không mấy khả quan khi âm hơn 37% từ đầu năm, NAV/ccq tại thời điểm 23/12 chỉ còn 11,11 TWD. Trong bối cảnh thị trường không thuận lợi từ đầu năm, hầu hết các quỹ đầu tư lớn đều phải đổi mặt với không ít sóng gió và Fubon ETF cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, hiệu suất tệ hơn mức giảm của VN-Index (-31,9%) và VN30-Index (-32,7%) phần nào cho thấy sức chống chịu yếu đến từ danh mục của quỹ trước những biến động không tích cực.
Hiệu suất tệ nhưng vẫn liên tục gọi thêm vốn, có thể thấy Fubon ETF đang “đặt cửa” cao vào khả năng hồi phục của TTCK Việt Nam, đặc biệt với danh mục gồm nhiều cổ phiếu trụ có tỷ trọng lớn. Việc quỹ đầu tư này không ngừng hút tiền thời gian qua cũng cho thấy dòng vốn từ Đông Á vẫn đánh giá cao triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam.
Trong ngắn hạn, mức định giá thấp so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là một trong những yếu tố thúc đẩy dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường. Trong một chia sẻ hồi cuối tháng 11, ông Yang Yining cho rằng định giá P/E của VN-Index đã giảm xuống mức thấp lịch sử và tạo cơ hội tốt cho một sự phục hồi mạnh từ vùng đáy ngắn hạn. “Thời điểm hiện tại cho tới tháng 2/2023 sẽ là giai đoạn vô cùng tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam” – nhà quản lý quỹ Fubon ETF nhấn mạnh.
Mục tiêu đầu tư của Fubon ETF hướng đến là 100% cổ phiếu Việt Nam và lựa chọn các ngành tiềm năng. Ngoài việc nắm bắt được chiều sâu và bề rộng của ngành, quỹ cũng tỏ ra lạc quan về dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. “Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới, TTCK Việt Nam sẽ thu hút thêm các dòng vốn ngoại” – quỹ đầu tư chia sẻ.