Nguồn dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Công ty Việt Á đã nhập que test nhanh từ Trung Quốc với giá vào khoảng 21,56 ngàn đồng/test.
Công ty Việt Á nhập 3 triệu que test nhanh từ Trung Quốc
Theo số liệu Tổng cục Hải quan thông tin vào ngày 20/1 liên quan đến Công ty Việt Á cho thấy, ông Phan Quốc Việt là Tổng giám đốc Công ty Việt Á và một số công ty khác. Tuy nhiên, chỉ có Công ty Việt Á là hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm…
Từ tháng 9 đến 12/2021, Công ty Việt Á đã nhập khẩu 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2 thành phẩm từ Trung Quốc, giá khai báo mỗi test là 0,955 USD (khoảng 21,56 ngàn đồng/test). Tổng trị giá của lô hàng này là 64,68 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ 2017 đến 2021, Công ty Việt Á nhập khẩu các nguyên liệu hóa chất, phụ kiện, chất thử, dụng cụ, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm, máy móc trong phòng thí nghiệm từ các thị trường như: Mỹ, Canada, Anh, Trung Quốc, Mexico, Đan Mạch, Đài Loan (Trung Quốc)…
Năm 2020 và 2021, thời điểm Công ty Việt Á bắt đầu sản xuất kit xét nghiệm SARS-CoV-2 thì kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp này tăng mạnh.
Trong 5 năm, từ 2017-2021, tổng kim ngạch nhập khẩu của Công ty Việt Á là 286 tỷ đồng. Trong đó, 162 tỷ đồng nhập que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm (gồm 64,68 tỷ đồng que thử thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm 74 tỷ đồng và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm); 123 tỷ đồng nhập máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Tổng cục Hải quan hiện đang phối hợp với các Cơ quan chức năng xác minh và điều tra 7 công ty liên quan đến Công ty Cổ Phần Công Nghệ Việt Á, gồm có: Công ty cổ phần vật tư khoa học Biomedic,Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kỹ thuật – Technimex, Công ty cổ phần kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty cổ phần công nghệ TBR, Công ty TNHH thiết bị khoa học sinh hóa Vina.
Vốn đăng ký công ty Việt Á từ 80 triệu, sau 10 năm là 1.000 tỷ đồng
Theo Cổng thông tin về đăng ký kinh doanh, công ty này được lập năm 2007 và có trụ sở chính tại Hồ Văn Huê, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.HCM. Vốn đăng ký của công ty này chỉ vỏn vẹn 80 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tháng 10/2017, tức sau 10 năm, vốn đăng ký của công ty đã lên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2009 là lần gần nhất danh sách cổ đông của công ty được công bố. Theo đó, ông Phan Quốc Việt nắm 10,2% cổ phần, ông Đồng Sỹ Huy nắm giữ 5% và bà Hồ Thị Thanh Thủy nắm giữ 4,8%.
Dù đăng ký 64 ngành nghề kinh doanh, nhưng lĩnh vực chính của Việt Á là bán buôn bán móc, thiết bị, phụ tùng. Nhưng, website của công ty lại giới thiệu chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử với đội ngũ chuyên môn có hơn 10 năm kinh nghiệm, cũng là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật Realtime PCR, lai phân tử.
Về doanh thu, giai đoạn 2016-2019, doanh thu của công ty giảm từ 166 tỷ đồng về 63 tỷ đồng. Đến năm 2020, con số đã tăng vọt lên gấp 6 lần của năm 2019 là 400 tỷ đồng. Đây là thời điểm công ty này kinh doanh về kit xét nghiệm covid-19.
Tuy nhiên, so với quy mô doanh thu, kết quả kinh doanh của Việt Á cho thấy lợi nhuận tăng nhưng không đáng kể. Khi mà, giai đoạn 2016-2019, mức lợi nhuận là vài trăm triệu đồng/năm. Năm 2020, công ty lãi gần 1,5 tỷ đồng dù doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Ước tính, theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, Công ty đến nay đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Trong vụ việc này, ngoài các lãnh đạo Công ty Việt Á bị khởi tố, bắt giam, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố một số người liên quan, trong đó có lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương như Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương…
Cát Anh (T/h)