Trung Quốc vừa công bố số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chóng mặt, với nguyên nhân chủ yếu do chi phí kiểm soát dịch COVID-19 và giá hàng hóa tăng cao.
Cụ thể, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), yếu tố quan trọng thể hiện lạm phát bán lẻ, đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, con số này cũng cao hơn so với tháng 3.
Dong Lijuan, chuyên gia của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nhận định, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhanh do các yếu tố như dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và giá hàng hóa quốc tế tăng cao.
Lạm phát tiêu dùng cũng cho thấy tác động kinh tế từ chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc, trong bối cảnh các thành phố lớn tại quốc gia này, điển hình là Thượng Hải, ở trong trạng thái phong tỏa, tác động mạnh đến chuỗi cung ứng, kéo giá vận tải lên cao.
Kể từ đầu tháng 4, khi tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu phức tạp trở lại tại Trung Quốc, Thượng Hải – trung tâm tài chính lớn nhất của Trung Quốc – hầu hết ở trong trạng thái phong tỏa. Đa phần người dân ở thành phố này buộc phải ở nhà, trong khi tại các cảng biển, hàng hóa bị ùn tắc và không thể vận chuyển.
Chuyên gia Dong Lijuan chia sẻ thêm, đại dịch COVID-19 đã khiến chi phí logistics cùng nhu cầu dự trữ tăng, đẩy giá một số mặt hàng thực phẩm như khoai tây, trứng và trái cây.
Báo cáo từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho thấy, sau 4 tháng liên tục giảm, trong tháng 4, lần đầu tiên giá lương thực nói chung tăng. Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 8%, cao hơn so với dự kiến, trong khi giá các mặt hàng như dầu thô và kim loại màu vẫn duy trì ở mức cao.
Julian Evans-Pritchard – chuyên gia của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (có trụ sở tại London, Anh) nhận định rằng, giá sản xuất vẫn sẽ tiếp tục tăng cao, do dịch COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa.
Ở một diễn biến khác, trong tháng 4, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã chạm đáy trong gần 2 năm, do các nhà máy buộc phải đóng cửa để kiểm soát ổ dịch mới, vận tải hạn chế và tắc nghẽn tại các cảng chính.
Dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, trong tháng 4, tăng trưởng xuất khẩu chỉ ở mức 3,9%, con số này cao hơn mức dự đoán 2,7% của các nhà phân tích, tuy nhiên vẫn là mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2020.