Để quảng bá hình ảnh của mình, nhiều thương hiệu đã bạo chi trong hoạt động tài trợ tại giải bóng đá lớn và hấp dẫn nhất hành tinh – World cup. Crypto.com cũng không bỏ lỡ cơ hội này.
Crypto.com tài trợ World Cup nhưng không tiết lộ giá trị thỏa thuận
Dù là một ngành còn non trẻ nhưng tiền mã hóa cũng tận dụng cơ hội để quảng bá thương hiệu, tìm những mối làm ăn trên toàn thế giới.
Được biết, nền tảng giao dịch tiền mã hóa Crypto.com từ tháng 3 đã trở thành nhà tài trợ chính thức của FIFA World Cup 2022. Tuy nhiên, thỏa thuận với giá trị tài trợ đã không được tiết lộ.
Thông tin trên Coindesk, nhờ sự hợp tác này, thương hiệu của sàn giao dịch sẽ xuất hiện tại sân vận động và xung quanh địa điểm tổ chức giải đấu ở Qatar.
Giám đốc Marketing của Crypto.com – Steven Kalifowitz chia sẻ: “Không có môn thể thao nào gắn kết thế giới như bóng đá, và không có sự kiện thể thao nào mang cả thế giới lại với nhau theo cách mà FIFA World Cup đã làm. Chỉ một số thương hiệu được trở thành nhà tài trợ, chúng tôi đã chớp lấy cơ hội để trở thành thương hiệu đầu tiên đại diện cho ngành công nghiệp tiền mã hóa tại sự kiện thể thao kéo dài một tháng này”.
Trước đó, sàn giao dịch này rất tích cực xuất hiện ở các sự kiện thể thao lớn ở tư cách nhà tài trợ chính.
Trong đó, nền tảng này đã đạt được thỏa thuận mua quyền sở hữu tên sân với Staples Center (Los Angeles) để đổi tên thành Crypto.com Arena. Thỏa thuận này được coi là một trong những khoản đầu tư lớn nhất vào thể thao của một công ty tiền mã hóa với trị giá lên tới 700 triệu USD.
Sàn giao dịch có trụ sở tại Singapore cũng tài trợ khoản tiền 25 triệu USD cho các giải đấu của Liên đoàn bóng đá Australia. Chưa hết, sàn này còn ký kết hợp tác có trị giá 100 triệu USD với giải đua xe F1 và hợp đồng tài trợ 10 năm trị giá 175 triệu USD cho Ultimate Fighting Championship (UFC).
Vài nét về Crypto.com
Tiền thân của Crypto.com chính là công ty thanh toán tiền mã hóa Monaco. Công ty được thành lập vào năm 2016, trở thành một trong những công ty phát hành thẻ ghi nợ dựa trên blockchain đầu tiên, cung cấp dịch vụ kiểm soát tài chính và dữ liệu cho người dùng.
Năm 2018, Monaco chính thức đổi tên thành Crypto.com, mục đích là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang tiền mã hóa.
Hai năm sau, sàn giao dịch này có chiến dịch quảng cáo trên toàn cầu. Các nhà sáng lập của nó cũng giành được giấy phép cho thẻ ghi nợ tiền điện tử hoạt động ở một số quốc gia, trong đó có các thị trường trọng điểm như Canada, Úc. Cũng kể từ đó, nó bắt đầu thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.
Ngoài ra, Crypto.com còn tung ra sàn giao dịch DeFi Swap để mở rộng dịch vụ sang thế giới tài chính phi tập trung. Tính đến cuối năm 2020, nền tảng giao dịch này đạt được 5 triệu người dùng trên toàn cầu.
Năm 2021, ngành tiền mã hóa được đánh giá là “ăn nên làm ra”. Sàn Crypto.com không nằm ngoài cuộc khi tốc độ tăng trưởng của DeFi Swap cũng như nguồn thu từ các chiến dịch quảng cáo đều tốt.
Đến cuối năm 2021, Crypto.com đã có 10 triệu người dùng đăng ký, 3.000 nhân viên hoạt động ở 90 quốc gia.
Thế nhưng, từ đầu tháng 11, giá trị của mã token CRO của Crypto.com giảm gần 45% do lo trở thành sàn tiếp theo đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản sau khi FTX sụp đổ. Nomics cho hay, khối lượng giao dịch hàng ngày đã giảm từ khoảng 4 tỉ USD (mức cao nhất năm ngoái) xuống còn 284 triệu USD. Lượng người dùng và nhà đầu tư rút tiền ra khỏi nền tảng cũng gia tăng.
Tuy nhiên, CEO Marszalek đã trấn an khách hàng trong một cuộc phỏng vấn rằng, sàn Crypto.com có bảng cân đối kế toán mạnh. Mức độ tiếp xúc với FTX cũng chỉ ở mức 10 triệu USD. Con số này giảm mạnh so với khoản hợp tác hai sàn đã đạt được trước đó, trị giá lên tới 1 tỉ USD.