Cục Hàng không cho biết, dự kiến sẽ “mở cửa” trở lại 10 đường bay từ ngày 10/10 nếu Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.
Cục Hàng không dự kiến mở lại 10 đường bay
Kế hoạch mở lại đường bay thường lệ chở khách nội địa (đã hoàn thiện sau khi lấy ý kiến các địa phương) vừa được Cục Hàng không báo cáo Bộ GTVT. Nếu được Bộ GTVT thông qua, kế hoạch này sẽ được triển khai.
Đã có 13/21 tỉnh thành có ý kiến bằng văn bản gửi về Cục Hàng không, trong đó có các tỉnh thành đồng ý mở lại đường bay chở khách gồm: TP.HCM, Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa, Phú Quốc (Kiên Giang); Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế.
Trong đó, 3 địa phương chưa đồng ý mở lại đường bay gồm: Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.
Dựa trên phản hồi của các địa phương, Cục Hàng không đã xây dựng kế hoạch mở lại 10 đường bay, gồm: TP.HCM – Thanh Hóa/Khánh Hòa/Phú Yên/Bình Định/Phú Quốc/Huế/Nghệ An; các đường bay giữa Thanh Hóa – Khánh Hòa/Buôn Ma Thuột/Phú Quốc.
Theo dự kiến, giai đoạn đầu kéo dài trong 10 ngày, khai thác từ ngày 10/10. Giai đoạn 2 và 3 nối tiếp sau đó, mỗi giai đoạn kéo dài 10 ngày với tần suất khai thác tăng dần. Giai đoạn 4 sẽ được khai thác theo tần suất bình thường như khi chưa có dịch.
Về quy định chung, hành khách không phải cách ly tập trung tại nơi đến theo quy định của Bộ Y tế, có chứng nhận tiêm đủ vắc-xin (liều cuối cách thời điểm đi ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc có giấy đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng.
Khách đi từ vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Đặc biệt, giai đoạn ban đầu, khách đi từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đều phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; cách ly tại nhà trong 7 ngày ở điểm đến và xét nghiệm 2 lần.
Phương án khai thác nếu kế hoạch phá sản
Thực tế, Hà Nội và TP.HCM là 2 điểm kết nối rất quan trọng trong mạng đường bay nói chung với 2 sân bay lớn nhất cả nước. Để hoạt động vận tải hành khách được thông suốt, cần sự đồng thuận của cả 2 thành phố này. Với tình hình hiện nay, có thể nói kế hoạch khai thác hàng không nội địa giai đoạn một đã “phá sản” khi không thể thực hiện được theo dự kiến là 5/10.
Nêu quan điểm về việc TP.Hà Nội – địa phương đầu tiên không tiếp nhận các chuyến bay chở khách thường lệ để đảm bảo thành quả chống dịch và bảo vệ Thủ đô, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết: Nếu Hà Nội không đồng ý, các chuyến bay nội địa vẫn sẽ triển khai, chỉ tiếc là sẽ không đạt được như kỳ vọng. Bởi, sân bay Nội Bài là cơ sở hậu cần, kỹ thuật lớn của tất cả các hãng hàng không Việt Nam, nếu các máy bay chỉ về Nội Bài để sửa chữa, bảo dưỡng thì sẽ không hiệu quả.
Về phương án khai thác, ông Cường cho hay: “Chúng tôi đã xây dựng phương án phù hợp nếu ít ngày tới Hà Nội vẫn không đồng ý với kế hoạch vận chuyển hành khách. Các đường bay có điểm đến/đi từ Hà Nội sẽ chuyển hướng khai thác tới sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa. Khi đó, hành khách ở các tỉnh có nhu cầu đi máy bay sẽ phải đi theo đường bộ, làm thủ tục qua các chốt kiểm soát liên tịch để đến/đi từ sân bay Thọ Xuân”.
Riêng với TP. HCM, vị này chia sẻ, TP.HCM vừa trải qua đợt dịch kéo dài nhiều tháng và gây thiệt nặng nề nhưng đã rất tích cực khi thống nhất khai thác 18 đường bay với tần suất 132 chuyến khứ hồi/ngày. Cục Hàng không đang khớp lại các đường bay kết nối với TPHCM để có thể khai thác sớm nhất.
Cát Anh (T/h)