Khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, dự kiến nhu cầu lao động sẽ tăng cao. Nhưng có vẻ đang có sự lệch pha tương đối lớn giữa cùng – cầu trong thị trường lao động tại TP. HCM cũng như tại Bình Dương, Đồng Nai… Làn sóng người lao động bỏ về quê sau khoảng thời gian dài chống chọi với Covid-19 đang cho thấy bức tranh không mấy tươi sáng.
Thiếu lao động trầm trọng
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự kiến trong quý 4/2021, thành phố cần khoảng 43.600 – 56.800 việc làm, nhiều doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại… Xu hướng nhu cầu nhân lực tăng ở nhóm việc làm bán thời gian và tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh – thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí – tự động hóa; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng; du lịch – nhà hàng – khách sạn; dệt may – giày da…
Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo của quý 4/2021 chiếm tỷ lệ 87,19% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng ở trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 21,07%; cao đẳng 19,81%; trung cấp 26,35%; sơ cấp 19,96%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,81% tổng nhu cầu nhân lực.
Trong 9 tháng năm 2021, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đã thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của gần 57.000 lượt doanh nghiệp với 135.855 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ chiếm tỷ lệ 81,61% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 18,26%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,12%. Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm của thành phố chiếm 72,24% tổng nhu cầu nhân lực.
Nhu cầu tuyển dụng ở lao động qua đào tạo chiếm 85,73% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,76%, cao đẳng chiếm 20,80%, trung cấp chiếm 29,17%, sơ cấp chiếm 15,00%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,27%.
Về tình hình lao động tại các KCN-KCX, ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết, đầu năm 2021, tổng số lao động làm việc trong các KCX-KCN tại TPHCM là 288.000 người. Khi dịch bệnh bùng phát và phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” thì chỉ có 720 DN thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” với 64.000 NLĐ tham gia.
Thống kê của Hepza cho thấy, có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TPHCM đã về quê, trong đó chủ yếu là những NLĐ về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động. Bình Dương hiện có khoảng 1,2 triệu lao động làm việc tại hơn 50.000 doanh nghiệp. Thời gian qua, chỉ có khoảng 250.000 lao động làm việc “3 tại chỗ”, như vậy khoảng 950.000 người phải ngừng việc.
Vừa giữ chân và tuyển mới
Chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa là hết năm 2021, các doanh nghiệp đang cố gắng tăng tốc phục hồi sản xuất nhằm cứu vãn một năm bết bát vì dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước cũng phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi của các doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗi lo về đơn hàng, về chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu thì lao động đang là một bài toán khó với các doanh nghiệp.
Tại TP. HCM, tín hiệu đáng mừng là đã có 242.000 NLĐ trong các KCX-KCN tại TPHCM đã được tiêm vaccine mũi 1 và trên 24.000 NLĐ đã được tiêm mũi 2. Các doanh nghiệp tại TP. HCM cũng hy vọng số lượng lớn người lao động tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu… có thể nhanh chóng quay trở lại vì khoảng cách địa lý không quá xa.
Nhưng, có rất ít tín hiệu lạc quan như vậy.
Hình ảnh cả nghìn người di chuyển trên những chiếc xe máy chở theo toàn bộ đồ đạc gia đình hướng về miền Tây xuất hiện trong đêm 1/10, người ta càng thấy rõ quyết định khăn gói rời khỏi TP.HCM của những lao động ngụ cư này. Áp lực khi thất nghiệp, áp lực duy trì sinh tồn rồi cũng khiến họ đầu hàng sau thời gian dài giãn cách.
Ông Trần Việt Anh – TGĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, sau khi khảo sát thực tế đã phân chia thành 4 nhóm lực lượng lao động: lao động làm cho các DN FDI; lao động làm cho các DN trong khu công nghiệp; lao động làm ngoài các khu công nghiệp; lao động tự do. Cả 4 nhóm lao động đều ở trong những khu trọ có mật độ dân số cao và thường thuê phòng trọ 10m2, có thể phân chia thành 5 người làm ban ngày và 5 người làm ban đêm thay nhau ở.
Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – thông tin, 5 tháng qua, số lượng lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp là trên 100.000 người. Số công nhân dừng hoạt động khoảng 500.000 người. Những người này đã có thời gian dài bám trụ tại TP nhưng hiện nhu cầu bà con xin về quê rất nhiều.
Người lao động quay về quê thời điểm cuối năm, họ sẽ ở lại quê ăn Tết chứ không quay lại trong vòng mấy tháng khi thành phố chưa đảm bảo mức độ an toàn về dịch bệnh. Trong khi chi phí để doanh nghiệp dịch chuyển lao động là rất cao, không khó nhận thấy xu hướng đứt gãy của thị trường lao động lúc này.
Rõ ràng, thiếu hụt lao động là điều có thể thấy trước mắt. Có nhiều vấn đề cần phải thực hiện để cải thiện tình trạng này, nhất là các biện pháp bảo đảm đời sống, an sinh bền vững, dài hạn cho người lao động.
Nhưng trước mắt, bài toán vaccine đang được đặt ra. Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, cần tăng cường tiêm vaccine để sản xuất an toàn, thu hút lao động quay trở lại làm việc.
Tuy nhiên, việc tiêm vaccine phải gắn liền với việc cấp chứng nhận thẻ xanh để mỗi người lao động đã được tiêm phải được cấp mã di chuyển an toàn. Có như vậy thị trường lao động mới được lưu thông trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định, ưu tiên số 1 vẫn là thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ cho công nhân. Công đoàn của DN kết nối với tổ chức công đoàn tại nơi cư trú, đảm bảo sự an toàn trong việc đưa đón công nhân quay lại TP.
Hơn lúc nào hết, chính quyền và doanh nghiệp phải phối hợp giữ chân người lao động ở lại bằng cách cho họ những thông tin rõ ràng. Ví dụ, công nhân tiêm 1 mũi thì sẽ được tiêm 2 mũi, tiêm 2 mũi thì sẽ được đi làm bình thường. Hay, toàn bộ nhà máy đã được khử trùng hoặc có phòng y tế, trang bị bình oxy, máy đo SPO2, có xét nghiệm khi cần thiết và có tủ thuốc trị Covid-19. Những điều trên khiến lao động an tâm khi làm việc.
Tại Bình Dương, các cơ quan chức năng đã chi hỗ trợ nhà trọ, nhu yếu phẩm cho người dân và công nhân lao động với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, chi hỗ trợ cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền khoảng 900 tỉ. Sắp tới, Bình Dương tiếp tục chi hỗ trợ cho khoảng 300.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là giải pháp bảo đảm cuộc sống cho NLĐ trong điều kiện khó khăn hiện nay, giúp họ gắn bó với doanh nghiệp và gắn bó với địa phương.
Còn về lâu dài, Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM đang phối hợp với Sở LĐTB&XH TPHCM để khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các DN. Ban Quản lý cũng đề xuất với TPHCM về xây dựng nhà lưu trú cho NLĐ, theo hình thức Nhà nước và DN cùng làm. Đây là cơ sở để có thể xác định sống chung với dịch bệnh, giữ chân NLĐ, ổn định sản xuất dài lâu cho DN.
Bên cạnh đó, cần quan tâm và bảo đảm tiền lương, phúc lợi và các chế độ, bảo đảm cho NLĐ đủ sống, có tích lũy và phải có tác dụng kích thích, thu hút NLĐ gắn bó lâu dài với DN.
“Tôi cho rằng cần phải quan tâm đặc biệt tới lưới an sinh xã hội, vấn đề việc làm và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, trong đó có công nhân lao động. Trong đó, cần thiết kế các chế độ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế”, ông Vũ Minh Tiến đề xuất.