Từ Bắc Kinh đến London, các đô thị lớn trên thế giới đang từng bước loại bỏ xe xăng khỏi trung tâm thành phố. Với chiến lược rõ ràng, chính sách mạnh tay và đầu tư lớn vào hạ tầng xanh, quá trình chuyển đổi giao thông đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết
Trung Quốc: Từ cấm xe máy đến cắt đường xe xăng vào đô thị
Bắc Kinh là một trong những thành phố tiên phong của Trung Quốc trong việc loại bỏ xe máy và siết chặt ô tô xăng từ rất sớm. Từ năm 1986, xe máy đã bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 3, và đến năm 2014, xe máy ngoại tỉnh bị cấm hoàn toàn trong vành đai 6 – gần như “xóa sổ” loại phương tiện này tại thủ đô.
Không chỉ xe hai bánh, Bắc Kinh còn triển khai hàng loạt biện pháp hạn chế xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong, như: Áp dụng khu vực phát thải thấp (LEZ); Cấm xe ngoại tỉnh vào trung tâm; Giới hạn giờ lưu thông theo biển số. Và sắp tới là chỉ cho phép xe đạt chuẩn khí thải hoặc xe xanh hoạt động trong khung giờ cao điểm.
Thành phố Thượng Hải, Thâm Quyến và nhiều tỉnh thành khác cũng đi theo mô hình tương tự. Đặc biệt, tỉnh Hải Nam đã cam kết dừng bán xe xăng từ năm 2030, sớm hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn quốc.
Ở cấp quốc gia, Trung Quốc đặt mục tiêu, đến 2025, 20% xe bán ra là xe điện hoặc hybrid; đến 2030, tỷ lệ tăng lên 40% và khí thải trung bình mỗi xe giảm 25%; đến 2035, toàn bộ xe ô tô mới bán ra sẽ là xe năng lượng mới (NEV), chấm dứt xe xăng và diesel.
Để đạt mục tiêu này, chính phủ đã triển khai hàng loạt hỗ trợ: miễn thuế, trợ giá mua xe điện, xây trạm sạc, khuyến khích sản xuất pin và hạ tầng tái tạo. Chính quyền địa phương được phép thiết lập vùng cấm xe xăng và nhân rộng theo điều kiện cụ thể.
Anh: Phí phát thải và vùng cấm xe lan rộng toàn quốc
Tại Anh, cuộc chiến chống ô nhiễm từ giao thông được khởi động mạnh mẽ từ thủ đô London. Bắt đầu bằng phí T-Charge năm 2017, thành phố chuyển sang áp dụng vùng phát thải siêu thấp (ULEZ) từ 2019. Đến tháng 8/2023, ULEZ đã bao phủ toàn bộ Greater London, ảnh hưởng tới gần 9 triệu dân.
Các xe không đạt chuẩn khí thải Euro 4 (xăng) hoặc Euro 6 (diesel) khi đi vào ULEZ phải trả phí 12,5 bảng/ngày. Tuy nhiên, nhờ chính sách này, 97% phương tiện tại London đã đạt chuẩn khí thải và không còn phải trả phí.

Nồng độ NO2 tại các trục đường lớn giảm 27%, và số người sống trong khu vực ô nhiễm vượt chuẩn giảm tới 82% – đặc biệt ở các khu dân cư thu nhập thấp.
Không chỉ London, thành phố Oxford còn mạnh tay hơn khi thiết lập vùng không phát thải (ZEZ), cấm hoàn toàn xe xăng và diesel trong nhiều tuyến phố từ 7h đến 19h. Khu vực ZEZ sẽ tiếp tục được mở rộng vào năm 2035, song song với các biện pháp lọc giao thông – chỉ cho phép xe có giấy phép đặc biệt lưu thông.
Nhiều thành phố khác như Glasgow, Edinburgh, Aberdeen cũng đã triển khai vùng không khí sạch (CAZ) để hạn chế xe không đạt chuẩn.
Ở cấp quốc gia, Anh sẽ cấm hoàn toàn xe xăng và diesel mới từ năm 2030. Từ 2035, chỉ những xe không phát thải (xe điện, xe hydro) mới được phép bán ra. Các hãng sản xuất ô tô sẽ phải đảm bảo: 80% xe bán ra năm 2030 là xe không phát thải và 100% vào năm 2035, theo quy định “ZEV Mandate”.
Ngoài ra, Anh đầu tư lớn vào hạ tầng sạc điện, miễn thuế cho xe điện và ưu đãi tài chính cho cả người mua và doanh nghiệp sản xuất xe xanh.
Tầm nhìn chung: Đô thị không khói – mục tiêu toàn cầu
Dù mỗi quốc gia có chiến lược riêng, nhưng điểm chung là ưu tiên phương tiện xanh, kiểm soát chặt khí thải, và từng bước đẩy lùi xe xăng khỏi trung tâm đô thị. Việc khai tử xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch không chỉ nhằm giảm ô nhiễm, mà còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Từ những thành phố đông dân như Bắc Kinh đến trung tâm tài chính như London, hành trình xanh hóa giao thông đang được tăng tốc và chắc chắn sẽ lan rộng sang nhiều quốc gia khác trong thời gian tới. Việt Nam cũng đã có lộ trình cho việc loại bỏ xe xăng.
Mộc Miên (Tổng hợp)