Tình hình mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt có thể còn tồi tệ hơn tình trạng lạm phát đình trệ của những năm 1970 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008!
Nouriel Roubini, được mệnh danh là “Dr Doom” – hay “tiến sĩ bất hạnh” vì dự đoán chính xác của ông về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng Mỹ đang đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng và suy nghĩ về một cuộc suy thoái kinh tế nhẹ ngành là “ảo tưởng.”
Công thức cho thảm họa trong nền kinh tế Mỹ
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông ngày 25/7, ông Roubini nói:
“Khi lãi suất tăng, nền kinh tế Mỹ phải oằn lưng với gánh nặng nợ nần ngày càng gia tăng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng, nợ nần chồng chất và khủng hoảng tài chính, và suy nghĩ suy thoái sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và nhẹ hoàn toàn là mơ tưởng”.
Một trong những lý do ông Roubini trích dẫn là tỷ lệ nợ cao lịch sử sau đại dịch, đặc biệt là gánh nặng nợ của các nền kinh tế phát triển và tỉ lệ nợ này không ngừng gia tăng.
Roubini cho biết diễn biến này khác với những năm 1970, khi tỷ lệ nợ vẫn ở mức thấp bất chấp tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát cao (lạm phát đình trệ). Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nợ của Mỹ tăng mạnh, tiếp theo là lạm phát thấp, hay giảm phát do cuộc khủng hoảng tín dụng và cú sốc nhu cầu.
Nhưng lần này thì khác, Roubini nói rằng chúng ta có cả môi trường lạm phát đình trệ và “tỷ lệ nợ cao lịch sử”, và đó là công thức dẫn đến thảm họa.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đang mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực giảm lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm, trong khi đó lo ngại suy thoái kinh tế đang leo thang cùng với lãi suất tăng. FOMC sẽ họp tại Washington vào ngày 26-27/7 tới và được nhiều người dự đoán là sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.
Trước những đợt tăng lãi suất rầm rộ, ông Roubini tin rằng: “Lần này, Mỹ phải đối mặt với cả lạm phát đình trệ những năm 1970 và cuộc khủng hoảng nợ năm 2008, cuộc khủng hoảng nợ lạm phát đình trệ, vì vậy nó có thể trở nên tồi tệ hơn những năm 1970 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.”